Giữ gìn vị ngọt đặc trưng cho cây mía tím Hòa Bình

  • 13/06/2020
  • 1002 đã xem
  • Bình luận

Tại Hòa Bình, bên cạnh cam sành và chè, cây mía cũng là một trong những cây trồng chính với tổng diện tích hơn 9.000 ha, trong đó mía tím - giống mía đặc sản chiếm trên 5.000 ha. Thu nhập từ cây mía cao gấp nhiều lần trồng lúa nên nghề trồng mía không những hỗ trợ bà con nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.

Những năm gần đây, diện tích trồng mía tại Hòa Bình tăng nhanh. Từ năm 2014 đến 2016, diện tích mía tăng gần gấp đôi. Việc mở rộng quá nhanh, không theo quy hoạch khiến chất lượng cây mía khó kiểm soát. Đồng thời, bà con tự nhân giống mía bằng ngọn, trồng đi trồng lại qua nhiều năm làm mía bị thoái hóa giống, cây còi cọc, phát triển chậm, xuất hiện hiện tượng đốt lùn, nứt lóng, loang đốm (mèo cào) làm giảm chất lượng mía thương phẩm.

Mía tím được coi là đặc sản của Hòa Bình. Ảnh: Bizmedia.

Mía tím là một trong những đặc sản của Hòa Bình. Ảnh: Bizmedia.

Gần đây, vào niên vụ 2015-2016, sản lượng mía tăng mạnh nhưng chất lượng mía thương phẩm suy giảm nên cây mía bị rớt giá. Có thời điểm giá mía xuống tới 500-800 đồng một cây.

Để giúp cây mía có đầu ra ổn định hơn, đồng thời gìn giữ được giống mía đặc sản của địa phương, năm 2012-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với trung tâm giống cây trồng tỉnh thực hiện đề án nghiên cứu bảo tồn, phục tráng giống mía tím Hòa Bình.

Đầu tiên, trung tâm giống cây trồng thực hiện chọn lọc những vùng mía có phẩm chất tốt ở Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn… để thực hiện nghiên cứu giống. Năm 2014, 2015 Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình đã ứng dụng thành công đề tài nhân nhanh giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô với giống mía tím đặc sản đã được lựa chọn tại Tân Lạc, Cao Phong. Năm 2015, dự án này bắt đầu được triển khai thử nghiệm tại xã Nam Phong (Cao Phong) và Mỹ Hòa (Tân Lạc) với quy mô khoảng 1ha trên một mô hình.

Trồng mía theo mô hình mới mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho bà con. Ảnh: Bizmedia.

Trồng mía theo mô hình mới mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho bà con. Ảnh: Bizmedia.

Theo mô hình này, người dân tham gia được cấp giống mía thuần đã được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng thử nghiệm. Đồng thời, bà con được hướng dẫn thêm quy trình cải tạo đất và cách bón phân, chăm sóc cây mía. Để mía duy trì phẩm chất tốt, cán bộ Sở Nông nghiệp hướng dẫn nông dân cách gây mía giống, không thực hiện trồng lẫn với mía tạp gây thoái hóa giống và làm cây dễ bị sâu bệnh.

Ngoài ra, bà con còn được khuyến khích trồng luân canh mía để cải tạo đất. Cụ thể, cứ 3 vụ mía lại chuyển sang một vụ trồng cây ngắn ngày như lạc, đậu tương để cho đất nghỉ và phục hồi. Đồng thời, người dân thực hiện bổ sung chế độ bón phân bằng phân hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng cây mía cũng như chất lượng đất trồng.

Bên cạnh việc chú trọng giữ phẩm chất cây mía tím bản địa, để có đầu ra ổn định, năm 2012, tỉnh Hòa Bình thành lập Hiệp hội mía tím Hòa Bình với vai trò cầu nối, tìm kiếm thị trường cho mía tím. Tỉnh cũng dự định phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội để đặt hàng công nghệ chế biến mía đóng hộp với hy vọng mở thêm hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm này.

Thu Giang

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi