Người dân Làng Bát làm giàu nhờ trồng chè

  • 01/08/2019
  • 444 đã xem
  • Bình luận

Thôn Làng Bát là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em trong đó chủ yếu là người Dao, người Tày. Nhiều năm trước, những quả đồi của thôn đều được tận dụng để trồng sả. Tuy nhiên, do giá bán thấp nên năm 2002, người dân đồng loạt bỏ cây sả, chuyển sang trồng chè. Do chè xanh Làng Bát có hương thơm, vị đậm đà, được thị trường tiêu dùng ưa thích nên giá bán cao hơn, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Cây chè được trồng tại Hàm Yên từ hơn 10 năm nay. Ảnh: bizmedia.

Cây chè được trồng tại Hàm Yên từ hơn 10 năm nay. Ảnh: Bizmedia.

Nhận thấy cây chè có tiềm năng phát triển kinh tế, đầu năm 2013, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên và Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang (TNSP) hướng dẫn bà con tại thôn Làng Bát chuyển đổi sang trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án này nhằm nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, đưa cây trồng này thành nông sản chủ lực phát triển kinh tế địa phương, đồng thời gây dựng thương hiệu chè xanh Làng Bát.

Để thúc đẩy dự án, thôn Làng Bát đã hình thành các tổ sản xuất chè VietGAP do ông Phạm Văn Luận và ông Bàn Văn Tình làm trưởng nhóm. Thời điểm khởi đầu, tổ hợp tác trồng chè của ông Luận chỉ có 10 thành viên trên diện tích 5ha, đến nay, số thành viên đã lên đến 30, tổng diện tích trồng chuyển đổi theo VietGAP là 16ha.

Thời gian đầu, thành viên tổ hợp tác được đi tham quan các mô hình trồng chè tại Thái Nguyên để tìm hiểu về quy trình trồng chè VietGAP và được hỗ trợ cây giống. Sau đó, cán bộ dự án và Chi cục bảo vệ thực vật hướng dẫn bà con về quy cách trồng, chăm sóc, bón phân, phòng bệnh, thu hoạch theo nguyên tắc 4 đúng: đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian. Tổ viên được phân khu trồng và bắt buộc thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng. Chỉ những lô chè thu hái đúng thời gian cách ly khi bón phân hay phun xịt thuốc bảo vệ thực vật mới được đưa đến cơ sở chế biến.

Nhờ tính ưu việt của mô hình, sản lượng chè búp tươi của tổ sản xuất Làng Bát tăng lên 1,5-2 lần, đạt khoảng 18-20 tấn trên một ha mỗi năm. Vườn chè có thể cho thu từ 18 đến 20 lần trong năm. Giá thu mua chè tươi tại vườn luôn ổn định ở mức 10.000 đồng một kg.

Cơ sở chế biến chè tại thôn Làng Bát. Ảnh: bizmedia.

Cơ sở chế biến chè tại thôn Làng Bát. Ảnh: Bizmedia.

Năm 2014, dự án TNSP tiếp tục hỗ trợ bà con đầu tư nhà xưởng, thiết bị sao sấy và máy hút chân không để đóng gói sản phẩm. Trước kia, chè thu hái về được rải trực tiếp xuống nền gạch, sao sấy bằng tay và đóng gói thủ công khiến chè bị lẫn tạp chất, ảnh hưởng tới hương vị. Khi áp dụng quy trình VietGAP, nhà xưởng chế biến được xây dựng lại cao, thoáng gió, nền xưởng khô ráo. Chè được đựng trong các nong lớn, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất. Nong đựng được làm sạch và phơi khô thường xuyên.

Trải qua các công đoạn: luộc, sấy, vò, vào ráo, vào khô, lên hương, chè được đóng túi và đưa vào máy hút chân không để tăng thời gian bảo quản và giữ nguyên hương thơm. Chỉ những sản phẩm chè đạt đủ ngày cách ly, đủ tiêu chuẩn thương phẩm mới được đưa đến cơ sở chế biến và đóng gói dưới nhãn mác chè Làng Bát.

Chè xanh Làng Bát hiện nay được tiêu thụ ở cả 3 miền. Ảnh: Bizmedia.

Chè xanh Làng Bát hiện được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc. Ảnh: Bizmedia.

Hiện nay, cơ sở sản xuất chè Làng Bát thu mua 170 tấn chè búp tươi mỗi vụ, cung cấp trên 35 tấn chè búp khô. Thu nhập bình quân của các tổ viên là 150 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống, mua sắm thêm thiết bị gia đình và có điều kiện cho con em học tập.

Sản phẩm chè Làng Bát được tiêu thụ chủ yếu trong nước, trong đó khoảng 30% tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, 60% bán tại thị trường Hà Nội và phần còn lại đã theo chân thương lái vào tới thị trường miền Trung và miền Nam.

Giang Tạ

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi