Các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn của Hà Tĩnh hiện canh tác khoảng 700ha chè theo tiêu chuẩn VietGap, cung ứng nguồn nguyên liệu tươi sạch cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Nhờ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, an toàn và khoa học, người dân nơi đây không ngừng nhân rộng diện tích những đồi chè xanh.
Chè được chăm bón bằng phân hữu cơ và phế phẩm tận dụng từ sản xuất nông nghiệp (rơm, rạ ủ thành phân bón vi sinh). Chúng giúp đất trồng tơi xốp, cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào cho cây sinh trưởng, hạn chế các rủi ro về ô nhiễm môi trường.
Nông dân sử dụng nguồn nước sạch tươi cho cây. Ngoài ra, còn trồng các hàng nghìn cây muồng để phủ bóng đồi chè mùa khô hạn. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật từ khâu sản xuất tới tới chế biến, người dân Hà Tĩnh đã tạo ra sản phẩm chè sạch, thơm ngon để xuất khẩu.
Đồi chè VietGap của nông dân Hà Tĩnh
Khi thu hoạch, chè được thu hái bằng tay, ngọn phải đủ tiêu chuẩn "một tôm hai lá". Kết thúc mỗi đợt hái búp, nếu phát hiện lá chè có vết thâm hay dấu hiệu của sâu bệnh, người trồng tiến hành xử lý bằng thuốc trừ sâu đã qua kiểm định nghiêm ngặt, liều lượng phun đúng chuẩn. Thời gian cách ly 20-30 ngày, đảm bảo không còn tồn dư các chất hóa học, kim loại nặng độc hại trên chè, an toàn đối với người sử dụng.
Những búp chè tươi non sau khi được thu hoạch sẽ được chuyển thẳng về xưởng chế biến của Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Công nhân đưa búp nguyên liệu vào lò sao để diệt men và làm bay một phần hơi nước. Tiếp đó, chè được đưa vào các cối để làm dập và định hình búp. Trải qua công đoạn chế biến, sản phẩm ra lò cho hương thơm đặc trưng. Khi uống thấy chát nhẹ, hậu vị ngọt đậm đà.
|
Nông dân Hà Tĩnh thu hái chè buổi sáng. Ảnh: Bizmedia |
Quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ bởi 3 xí nghiệp trồng và chế biến chè tại huyện Hương Khê, Hương Sơn và Kỳ Anh. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong nước, chè Hà Tĩnh còn vươn tới nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Thủy Hà