Sinh ra và lớn lên tại TP Bà Rịa, từ nhỏ, ông Hiệp đã biết đến nghề làm chả lụa. Trong suốt thời gian đi làm thuê để kiếm sống, ông cũng học nghề này. Phần vì yêu thích, phần vì kỹ năng làm nghề ngày càng được nâng lên nên sau khi lập gia đình, ông quyết định thành lập cơ sở chế biến chả lụa riêng để vừa phát triển nghề, vừa ổn định kinh tế.
|
Anh Hiệp (bên trái) cùng vợ chuẩn bị lá gói giò. Ảnh: Bizmedia. |
Theo ông Hiệp, cái may là trước đó, vợ ông từng buôn bán chả lụa và có nhiều mối hàng quen. Sau khi hai người về chung mọt nhà, những mối quen cũ được bà kéo về. Bởi vậy, trong giai đoạn khởi nghiệp, việc có sẵn đầu mối bạn hàng giúp ông cắt giảm được khó khăn trong khâu tìm kiếm đầu ra.
Thời gian đầu, khi chưa có máy móc hiện đại, để có nguyên liệu gói chả, khâu xay giã thịt rất vất vả. Mỗi lượt xay chỉ được khoảng 5kg thịt. Do vậy, để hoàn thành khối lượng nguyên liệu vài chục kg mỗi ngày, người làm phải mất rất nhiều thời gian và công sức.
Sau này, ông dần cải tiến máy móc, thay thế cối xay nhỏ bằng cối công nghiệp rồi đến cối lớn hơn và hiện tại là sử dụng 2 hai máy xay hiện đại. Sản lượng thịt nguyên liệu của cơ sở có thể lên tới hàng trăm kg mỗi ngày.
|
Nguyên liệu làm chả lụa là thịt heo tươi ngon. Ảnh: Bizmedia. |
Với mong muốn nâng tầm và giữ vững thương hiệu chả lụa của cơ sở, một trong những nguyên tắc mà ông Hiệp đề cao trong quá trình làm nghề là đảm bảo quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, từ khâu nguyên liệu tới chế biến đều được thực hiện theo các tiêu chí nghiêm ngặt.
Thịt nguyên liệu làm chả (gồm thịt nạc và thịt mỡ) phải tươi, sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, có kiểm định vệ sinh thú y. Nước mắm gia vị là loại ngon, phụ gia chế biến phải có trong danh mục cho phép, hàm lượng tiêu chuẩn... Bên cạnh đó, người làm phải thực hiện theo quy trình chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đáp ứng tiêu chí sạch, an toàn, thơm ngon...
|
Chả lụa thơm, giòn và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Bizmedia. |
Ông Hiệp cho biết, dựa vào mức tiêu thụ trên thị trường, cơ sở của ông không sản xuất chả lụa với số lượng quá lớn hoặc làm ẩu để tăng lợi nhuận mà chỉ duy trì sản xuất khoảng hơn một tạ mỗi ngày với quy trình nghiêm ngặt. Với sản lượng này, chả lụa chế biến ra luôn được tiêu thụ hết trong ngày, tránh tình trạng tồn đọng ảnh hưởng tới chất lượng và độ thơm ngon.
Nhờ quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh, cơ sở của ông được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, từ năm 2014 đến 2016, chả lụa của cơ sở được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Quy trình làm chả lụa Vũng Tàu:
Ông Hiệp chia sẻ, để gắn bó với nghề và xây dựng thương hiệu không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn cần cái tâm của người làm. Đảm bảo được đồng thời hai yếu tố đó thì sản phẩm làm ra mới có thể đứng vững trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Minh Hà