"Nếu Đà Lạt có trà dược liệu Atiso thì Huế cũng có trà vả", đó là lời chia sẻ của anh Mai Quốc Bảo - người đầu tiên mang trà vả đến với thị trường.
Mối duyên của anh Mai Quốc Bảo với quả vả bắt nguồn từ những năm tháng xa nhà đi lập nghiệp ở Sài Gòn. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xứ Huế, sau khi học xong phổ thông, anh Bảo theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Do gia cảnh khó khăn, anh phải bươn chải nhiều nghề từ dạy kèm, đạp xích lô, bồi bàn để vừa có tiền học, vừa phụ gia đình. Trong thời gian ở Sài Gòn, anh mở một quán ăn món Huế. Qua câu chuyện về công hiệu của quả vả với bệnh dạ dày, bệnh đường ruột... từ những người khách tới quán, anh Bảo tỏ ra rất hứng thú và tìm hiểu thêm nhiều công dụng dược liệu phong phú của loại quả này.
|
Quả vả tươi là nguyên liệu chính để làm trà vả. Ảnh: Bizmedia. |
Cứ thế, hai năm ròng đi về giữa Huế - Sài Gòn, anh dành nhiều tâm sức nghiên cứu các tài liệu để tìm cách chế biến quả vả thành sản phẩm dược liệu giá trị. Thấy cây vả mọc đầy vườn nhà ở Huế, cây xanh tốt bất chấp nắng mưa mà không cần chăm bón, quả cứ rụng đầy vườn lãng phí, anh càng quyết tâm hơn. Tháng 8/2014, anh Bảo quyết định nghỉ hẳn kinh doanh quán ăn trong Sài Gòn để về Huế khởi nghiệp với quả vả.
Anh Bảo chia sẻ, thời gian đầu chưa có máy móc, mọi công đoạn từ xắt quả, phơi, sao đều phải làm bằng tay, chưa kể tới việc phải thử nghiệm để tìm ra công thức trà phù hợp khẩu vị. Thời tiết ở Huế lại thất thường, khi nắng cháy da, khi mưa dầm dề khiến nhiều mẻ vả không phơi được, để 1-2 ngày bị mốc hỏng. Bên cạnh đó, công dụng của quả vả cũng chưa được nhiều người biết tới nên việc giới thiệu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
|
Anh Bảo (bên phải) và sản phẩm trà vả. Ảnh: Bizmedia. |
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, anh đã tìm ra công thức làm trà vả phù hợp, đồng thời vay vốn đầu tư máy móc chế biến. Để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, anh Bảo tham gia hầu hết các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại tại địa phương hay các chương trình văn hóa văn nghệ, mời mọi người tại đây dùng thử sản phẩm.
Với tâm niệm làm sản phẩm sạch ngay từ đầu, chinh phục người dùng bằng công dụng của nguyên liệu, anh Bảo đã hoàn thiện quy trình sản xuất trà chỉ từ quả vả tươi mà không có thêm bất cứ phụ gia hay chất bảo quản nào. Anh chia sẻ: "Tôi mong muốn người Huế sẽ đều biết đến công dụng của quả vả, biết làm trà vả và uống trà vả". Anh còn tận tình giới thiệu cách làm và công dụng của trà vả đến với nhiều gia đình Huế.
Quy trình sản xuất trà vả:
Hiện nay, Công ty TNHH Lộc Mai do anh Bảo làm chủ đã chế biến trên 60 tấn vả tươi thành các sản phẩm trà vả, trà vả cam thảo, trà vả gừng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năm nay, anh dự kiến cho ra đời thêm sản phẩm nước ép vả tươi với hạn dùng khoảng 10 ngày, hoàn toàn không chất bảo quản.
Trà vả hiện được tiêu thụ chủ yếu tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, TP HCM...
Như Nguyệt