Trước khi đến với nghề nuôi vịt, ông Hoàng Văn Càn ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái sinh sống bằng nghề làm ruộng. Cách đây hơn 2 năm, tại địa bàn xã xuất hiện nhiều thương lái tìm đến mua vịt bầu - giống vịt bản xứ của đất Lục Yên, cổ lùn, chân ngắn nhưng cho thịt chắc, thơm ngon nổi tiếng. Tuy nhiên, thời điểm đó, do bà con nuôi với số lượng nhỏ nên vịt bầu luôn trong tình trạng khan hàng. Tận dụng điều kiện này, ông chuyển hẳn qua nuôi vịt để nhập cho thương lái.
|
Vịt bầu Lâm Thượng nổi tiếng bởi thịt ngọt chắc, thơm ngon, ít mỡ. Ảnh: Bizmedia. |
Với ý định chăn nuôi và duy trì giống vịt bầu bản xứ, ông Càn đầu tư máy ấp trứng để trực tiếp nhân giống đàn vịt; đảm bảo giống không bị pha tạp bởi các dòng vịt lai khác. Sau khoảng 28 đến 30 ngày, trứng được ấp sẽ nở thành vịt con.
Trong suốt 15 ngày kể từ lúc mới nở cho tới khi bắt đầu ra lông ống, vịt được nuôi nhốt và cho ăn thức ăn tổng hợp. Khu nuôi luôn đảm bảo đủ ánh sáng, không ẩm ướt. Số lượng vịt nuôi được chia đều, không nhốt quá đông nhằm hạn chế tình trạng vịt con xô đẩy, chen chúc nhau, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cả đàn.
|
Vịt bầu Lâm Thượng là giống bản địa, ông Càn tự đầu tư máy ấp trứng để nhân giống. Ảnh: Bizmedia. |
Khi vịt đã cứng cáp, khỏe mạnh, ông bắt đầu thả ra đồng, ra suối để vịt tự tìm kiếm thức ăn. Vùng Lâm Thượng có nguồn nước phong phú, hệ thống mương suối nhiều, các loại sinh vật thủy sinh, rêu đá, ốc, cá, tép suối… dồi dào, là nguồn cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho vịt.
Theo ông Càn, toàn bộ vịt nuôi của gia đình đều thả ao, thả đồng, thả suối chứ không nuôi nhốt. Sau thời gian nuôi khoảng 3 - 4 tháng, vịt bầu có thể đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5kg. Trong cả lứa vịt đó, ông xuất bán một phần cho thương lái, còn lại để nuôi làm vịt đẻ trứng.
|
Toàn bộ vịt nuôi của gia đình ông Càn đều thả ao, thả đồng, thả suối chứ không nuôi nhốt. Ảnh: Bizmedia. |
Vịt bầu trưởng thành khoảng 6 tháng là bắt đầu cho trứng. Theo ông Càn, tuy cho trứng không đều, không nhiều như vịt siêu trứng hay các loại vịt lai khác nhưng trứng vịt bầu lại thơm ngon, tỷ lệ lòng đỏ cao. Do có lò ấp trứng nên gia đình ông Càn cũng chủ động trong khâu tạo giống. Trong số vịt con được ấp nở, ông sử dụng một phần để nuôi thả, còn lại đem xuất bán vịt giống cho bà con trong vùng. Vịt được nuôi theo hình thức nuôi gối quanh năm. Cụ thể, sau lứa này, ông Càn lại cho ấp nở lứa khác nên gia đình thường xuyên có sẵn vịt thương phẩm và trứng vịt để nhập bán cho thương lái.
Quy trình nuôi vịt bầu Lâm Thượng.
"Vịt được nuôi quanh năm và tiêu thụ mạnh nhất vào tháng 2, 3, 4 và tháng 7 Âm lịch hàng năm. Do nhu cầu thu mua của thương lái cao nên vịt nuôi đạt trọng lượng tới đâu được nhập bán tới đó. Gia đình chỉ chọn lại một ít vịt nuôi đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, số lượng vịt mà chúng tôi nuôi thả lên tới 3.000 con", ông Càn cho biết.
Vũ Đậu