Hiệu quả trong phát triển giống khoai tím đặc sản

  • 09/01/2020
  • 1192 đã xem
  • Bình luận

Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, vốn được biết đến với nhiều loại nông sản chủ lực, trong đó có giống khoai môn tím thơm ngon trứ danh. Khoai môn Lục Yên (còn gọi là khoai tím, khoai mán, khoai sọ núi) vốn được trồng khá phổ biến tại nhiều vùng quê, song riêng thứ khoai trồng trên đất này lại được đánh giá cao về độ bùi, thơm, dẻo và có hương vị đậm đà nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy có giá trị kinh tế nhưng nhiều năm qua, giống khoai tím Lục Yên được trồng chủ yếu theo kinh nghiệm, diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên giá trị về hàng hóa chưa cao. Nhận thức được thực tế này, đồng thời muốn phát triển cây khoai môn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm lớn có tính cạnh tranh cao trên thị trường, năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề xuất với UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển khoai môn tại tỉnh Yên Bái theo hướng sản xuất hàng hóa".

Cây khoai môn tím Lục Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân địa phương. Ảnh: nongthonviet

Cây khoai môn tím Lục Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân địa phương. Ảnh: nongthonviet.

Điểm mới của dự án là xây dựng mô hình giống, thâm canh trên nhiều loại đất khác nhau như đất bãi chuyên trồng màu, đất bãi ven sông, đất ruộng một vụ không chủ động tưới tiêu… Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn một số huyện trong tỉnh những năm tới.

Khi trồng thêm một vụ cây vụ đông, hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao bởi chỉ trồng thuần khoai môn đã cho thu nhập trên 70 triệu đồng một ha một vụ. Gắn liền với việc xây dựng các mô hình khoai môn là việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hoạch, bảo quản cho các hộ nông dân. Đến nay, dự án đã tổ chức được 10 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 300 lượt người. Qua các buổi tập huấn, bà con nông dân đã nắm vững được các yêu cầu kỹ thuật về sản xuất củ giống, thâm canh, bảo quản, sơ chế khoai môn.

Sau một vài năm triển khai dự án, đến nay, huyện Lục Yên đã xây dựng được các mô hình sản xuất giống và thâm canh khoai môn cho năng suất, chất lượng cao với diện tích gần 20 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Chuẩn, Phan Thanh và Khánh Hòa. Khác với những giống khoai ở dưới miền xuôi chỉ ưa trồng trên đất ruộng, đất bãi giàu mùn, tơi xốp... khoai môn Lục Yên lại không hề kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh và có thể trồng xen với các loại cây khác nên bà con nơi đây thường trồng nhiều trên các nương, đồi bạt ngàn ở Lục Yên. Điều này không chỉ có tác dụng bảo vệ, chống xói mòn cho đất mà còn giúp người nông dân tận dụng được đất đai, dành đất màu để trồng các loại cây rau màu khác.

Hiện tại, cây khoai môn ở huyện Lục Yên đang trở thành cây trồng có thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với năng suất 12-14 tạ một ha và giá bán 8.000-10.000 đồng một kg, mỗi một ha khoai môn cũng cho người nông dân thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng, so với các loại cây trồng khác như ngô và sắn thì hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần.

Bên cạnh các loại cây trồng đặc sản như chè, quế Văn Yên, bưởi Đại Minh, hồng Lục Yên..., khoai môn Lục Yên cũng đang góp phần làm giàu thêm cho vùng đất này, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh thương hiệu nông sản của địa phương tới nhiều người tiêu dùng.

Phong Vân

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi