Mãng cầu xiêm là đặc sản tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. Loại quả này chứa lượng vitamin C gấp nhiều lần so với chuối, lê, táo, nho và dứa. Ngoài tiêu thụ quả tươi để chế biến thành sinh tố, nước ép, nông dân các vùng trồng mãng cầu xiêm còn ủ thành rượu hay trà.
Huyện Tân Phú Đông được xem là xứ sở mãng cầu xiêm của Tiền Giang với vùng trồng tập trung tại các xã cù lao Tân Thạnh, Tân Thới, Tân Phú. Từ năm 2015, nơi đây được định hướng thành vùng chuyên canh mãng cầu xiêm với khoảng 650ha. Năm 2016, diện tích trồng tăng lên gần 900ha, đến nay là hơn 915ha, sản lượng bình quân đạt 18-20 tấn trên một ha.
|
Nông dân Tân Vĩnh Hiệp áp dụng kỹ thuật mới để cây mãng cầu xiêm ra quả quanh năm. Ảnh: Bizmedia. |
Những năm gần đây, người trồng đã áp dụng kỹ thuật để cây ra quả quanh năm. Hiện, các nhà vườn thu quả nghịch vụ với giá bán 30.000 - 35.000 đồng một kg, cao gấp đôi so với vụ chính. Mỗi ha cho quả nghịch vụ, nông dân có thể thu lời khoảng 300 triệu đồng.
Với mong muốn mở rộng đầu ra cho quả mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, chị Nguyễn Thị Bảy đã tìm cách chế biến mãng cầu xiêm thành trà thay vì chỉ bán quả tươi như thông thường. Cách làm này cũng được nông dân tại Hậu Giang, Sóc Trăng thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, quy trình làm, chất lượng, sản lượng và giá bán mỗi nơi lại khác nhau nên chưa tạo được thương hiệu riêng.
Từ năm 2014 đến nay, chị Bảy tận dụng hơn 400 gốc mãng cầu xiêm trong vườn làm nguồn nguyên liệu để sản xuất trà. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khách đặt hàng đến đâu, chị mới làm đến đó. Dần dần, khi có thị trường tiêu thụ ổn định, chị Bảy đầu tư thêm dàn máy bán công nghiệp gồm máy sục ozone, máy cắt, máy sấy, máy dán bao bì. Do đó, mỗi ngày, chị làm được vài chục kg trà mãng cầu xiêm.
Quy trình sản xuất trà mãng cầu khép kín một chiều:
Theo chị Bảy, điểm khác biệt để tạo nên thương hiệu trà nằm ở bí quyết chọn quả và quy trình sản xuất. Cụ thể, sau khi lựa chọn những quả mãng cầu xiêm đạt tiêu chuẩn, chị Bảy đưa vào rửa sạch, ngâm nước sục ozone để diệt khuẩn trong 30-40 phút. Sau đó, quả được để ráo nước và tách bỏ hạt rồi đưa vào máy cắt nhỏ, sấy khoảng 5-6 giờ trước khi đóng gói. Khu nhà xưởng được xây riêng và chia thành các buồng rửa, bổ, cắt, sấy, đóng gói. Chị Bảy cũng đặt mua bao bì cho sản phẩm là túi đựng 6 lớp phủ nhôm giúp bảo quản trà tốt hơn. Để tạo ra một kg trà thành phẩm, chị sử dụng tới 10 kg quả tươi.
Giá bán lẻ sản phẩm trà mãng cầu xiêm của cơ sở chị Bảy là 1,2-1,3 triệu đồng mỗi kg. Bên cạnh việc sản xuất thêm dạng trà túi lọc, chị Bảy còn kết nối với nhiều đối tác nước ngoài tại Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan để giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra mới cho mãng cầu xiêm Tân Phú Đông.
Giang Tạ