Nuôi cá tầm trên dòng Đà Giang

  • 01/08/2019
  • 651 đã xem
  • Bình luận

Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp phép thử nghiệm nuôi cá tầm tại Sơn La từ năm 2013. Đến nay, doanh nghiệp đã có 80 lồng nuôi tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Mỗi năm, cung cấp 40-50 tấn cá cho thị trường.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, cá tầm cần môi trường nước sạch, không ô nhiễm hóa chất, cần dòng chảy liên tục để có đủ oxy, nhiệt độ nước trung bình từ 18-22 độ C. Lòng hồ thủy điện Sơn La có nhiệt độ nước trung bình 23-24 độ C, trong lành, nên rất phù hợp để nuôi cá tầm.

Mô hình nuôi cá tầm trên sông Đà

Nuôi cá tầm trên dòng Đà Giang
 
 

Giống nuôi tại lòng hồ thủy điện Sơn La hiện chủ yếu được nhập khẩu từ Nga như cá tầm Belgula. Thời gian đầu, công ty phải thuê các chuyên gia Nga sang hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc.

Cá tầm được nuôi trong các lồng lưới sắt nổi trên sông với độ sâu 4-6m. Trại cá dùng lưới vây lòng hồ để tận dụng các ưu điểm của môi trường nước tự nhiên. Mật độ được duy trì theo từng kích cỡ cá, vì thế kỹ thuật viên thường phải sàng lọc để điều chỉnh cả thức ăn lẫn chế độ chăm sóc.

Cá tầm tương đối hiền, ăn động vật đáy (giun, ốc) và không gây hại cho hệ sinh thái bản địa. Để cá tầm khỏe mạnh, các kỹ thuật viên nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp phối trộn với cá mương, cá biển xay nhuyễn. Thức ăn có hàm lượng đạm cao, ít chất béo hơn so với cho cá nuôi lấy giống, cho ăn 4 lần mỗi ngày.

Để tránh thức ăn thừa và dị vật bám trong lòng lưới, kỹ thuật viên phải thường xuyên lặn xuống kiểm tra mặt và đáy lưới 4-6m, đồng thời theo dõi sức khỏe cá và các yếu tố bất thường trong môi trường nuôi. Nước bẩn hoặc ô nhiễm thường khiến cá dễ mắc bệnh. Ngoài ra, kỹ thuật viên còn phải kịp thời kiểm tra lưới rách, tránh để cá thoát ra ngoài và loại bỏ bớt các sinh vật bám trên lưới làm xây xát cá.

Cá tầm thương phẩm có trọng lượng từ 2 đến 15kg mỗi con tùy theo thời gian nuôi. Hiện, doanh nghiệp chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và Hà Nội. 

Doanh nghiệp cũng vận hành khu vực ươm giống cá tầm tại chỗ. Con cá trưởng thành 3-5kg sẽ được tách đàn, siêu âm để tách riêng đực và cái, nhận biết có trứng hay không. Những năm tới, công ty dự kiến sẽ khai thác thêm trứng cá tầm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích mặt hồ nuôi cá tầm sẽ đạt 170ha, sản lượng cá trên 2.700 tấn. Trong đó, trứng cá đạt khoảng 20 tấn, phục vụ xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

polyad

Cá tầm hiện nuôi thành công tại nhiều nơi trên cả nước. Ảnh: Bizmedia

Cá tầm được đưa vào Việt Nam từ năm 2005, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đưa về Sapa. Năm 2006, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III giới thiệu ở Lâm Đồng. Đến nay, mô hình đã nhân rộng ra nhiều tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Sau khi nhà máy thủy điện Sơn La đi vào hoạt động năm 2012, diện tích mặt hồ thủy điện toàn tỉnh đạt gần 21.000ha. Hồ rộng, nước sâu, chảy liên tục, nguồn thức ăn phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cá kinh tế cao như tầm, lăng, anh vũ.. phát triển.

Cá tầm được nuôi muộn hơn tại Sơn La so với Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Đà Lạt, Sa Pa... Tuy nhiên, nhờ lợi thế về khí hậu, nguồn nước, gió, ánh sáng, giống cá Âu cho thấy sinh trưởng tốt trên dòng sông Đà sau 3 năm thử nghiệm.

Giang Sơn

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi