Tìm hiểu mô hình nuôi cá lồng trên sông theo chuỗi

  • 01/08/2019
  • 671 đã xem
  • Bình luận

Tại nhiều địa bàn trên cả nước, nuôi cá lồng trên sông không phải là mô hình quá mới, song xây dựng hợp tác xã nuôi cá lồng trên sông theo chuỗi như ở Phú Thọ thì rất ít địa phương áp dụng.

Trước đây, người dân Phú Thọ cũng tiến hành nuôi cá lồng trên sông nhưng theo hình thức tự phát, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, chất lượng cá thu được chưa đảm bảo. Đến năm 2014, nhận thấy lợi thế sông ngòi có thể giúp phát triển mô hình hợp tác xã nuôi cá lồng trên sông theo tiêu chuẩn VietGAP nên chính quyền tỉnh đã quyết định đầu tư phát triển mô hình này.

Ban đầu, Chi cục thủy sản tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng tiêu chuẩn VietGAP cho các chủ cơ sở nuôi cá lồng tại khu vực sông Đà và sông Lô. Sau đó, hợp tác xã nuôi cá lồng tại các địa phương được thành lập để bà con liên kết, hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến khâu chăm sóc, bao tiêu sản phẩm.

Trước khi thực hiện nuôi thả, chi cục thủy sản tỉnh tiến hành kiểm định chất lượng nước của vùng nuôi cá. Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm, vùng thả lồng có độ sâu tối thiểu 3,5 m trở lên. Khu vực đặt lồng phải đảm bảo yên tĩnh, ít tàu bè đi lại.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông giúp mang lại nguồn lợi kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: vietlinh.vn

Mô hình nuôi cá lồng trên sông giúp mang lại nguồn lợi kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: vietlinh.vn.

Ở khâu lựa chọn lồng thả, toàn bộ lồng bằng tre, nứa được chuyển đổi sang lồng sắt để đảm bảo độ bền và tiện lợi cho quá trình vệ sinh. Về giống cá, chi cục thủy sản tỉnh có trách nhiệm tư vấn, kiểm định con giống trước khi nuôi thả. Toàn bộ cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, không trầy xước, bong vẩy, kích thước đồng đều và không mắc bệnh.

Thay vì các loại cá tạp băm nhỏ như trước đây, thức ăn được sử dụng để nuôi cá theo kiểu mới là thức ăn công nghiệp của các hãng sản xuất uy tín. Trong suốt quá trình nuôi thả, chi cục thủy sản có trách nhiệm hỗ trợ các hợp tác xã về kỹ thuật chăm sóc, tư vấn thuốc phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải khi nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kết hợp với công an tỉnh kiểm soát nguồn nước thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước nuôi. Toàn bộ số lồng nuôi đều được cấp mã số để tiện cho việc quản lý, kiểm tra nguồn gốc cá khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, Chi cục thủy sản tỉnh Phú Thọ còn tìm hiểu thị trường tại các địa bàn lân cận, xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp thủy sản an toàn với thương hiệu cá sông Đà và cá sông Lô. Tất cả sản phẩm đều có thông tin đầy đủ về địa chỉ người nuôi, mã số mã vạch giúp người tiêu dùng check được nguồn gốc, ngày xuất, ngày nuôi cũng như các loại thuốc đã sử dụng và thời gian cách ly…

Nhờ có mô hình này mà sau 3 năm, toàn tỉnh Phú Thọ đã phát triển được gần 1.000 lồng cá, trong đó chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như diêu hồng, cá lăng, cá trắm…, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với sản lượng lên đến 3.000 tấn mỗi năm, mô hình đã mang lại nguồn lợi kinh tế hàng trăm tỷ đồng, giúp thay đổi cuộc sống nhiều hộ dân trong tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Thanh Tâm

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi