|
Đơn Dương là một trong những vựa rau củ lớn nhất cả nước. Nằm ở phía Đông Nam thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương được dòng sông Đa Nhim bồi đắp, khí hậu ưu đãi, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. |
|
Đơn Dương cũng là một trong 4 vùng phụ cận được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt” do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp. Với nhiệt độ trung bình 21,6 độ C và lượng mưa 1.914mm, nơi đây thích hợp trồng các loại rau củ, hoa xứ lạnh như cà chua, ớt, bắp cải, súp lơ, cải thảo, xà lách... |
|
Mỗi năm, khoảng 800.000 tấn rau củ từ đây được phân phối đi khắp các siêu thị và chợ đầu mối trên cả nước. Trong đó, các nông sản chủ lực là cà chua (150.000 tấn), hành tây (35.000 tấn), bắp sú (100.000 tấn), cải thảo (60.000 tấn)… |
|
Rau được canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP và Global Gap, tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao… Ngoài giống rau bản địa, nông dân còn phát triển các loại cây trồng khác nhập từ Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ... |
|
Cuối năm 2016, Đơn Dương có khoảng 3.500ha canh tác trong nhà kính, nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Nhiều loại nông sản mới có giá trị kinh tế cao như ớt chuông, cà chua đen, cà chua chocolate... mang về 220 triệu đồng mỗi ha. |
|
Ngoài mô hình trồng rau trong nhà, Đơn Dương còn phát triển sản xuất theo hợp tác xã nhằm hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản. Năm 2016, khoảng 25% sản lượng được liên kết đầu ra với hợp đồng bao tiêu ổn định. |
|
Ông Trần Thiện Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Thiện Thanh (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) cho biết, xã viên được hướng dẫn tuân thủ các bước sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap. Hợp tác xã cũng phổ biến để nông dân hiểu được uy tín và trách nhiệm của người sản xuất là chìa khóa giữ vững thị trường. |
|
Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp 2016-2020, huyện quy hoạch theo hướng phát triển: chuyển đổi cây trồng phù hợp, làm ăn tập thể theo mô hình hợp tác xã để xây dựng thương hiệu, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. |
Hương Giang