Vùng chuyên canh ớt cho sản lượng 25.000 tấn mỗi vụ tại Đồng Tháp

  • 01/08/2019
  • 814 đã xem
  • Bình luận

Huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích bãi bồi lớn, nhiều cù lao, đất phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó có ớt.

Cây ớt được trồng ở Thanh Bình cách đây khoảng 20 năm. Ban đầu, diện tích trồng còn ít, nhưng đến nay, nơi đây đã trở thành một trong những vùng chuyên canh ớt lớn nhất Tây Nam Bộ với diện tích xuống giống trên 1.800 ha, tập trung ở Cù Lao Tây và vùng ven sông Tiền.

Mùa thu hoạch ớt thường bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 Âm lịch năm trước đến tháng 4, tháng 5 Âm lịch năm sau. Đây là vụ trồng ớt và thu hoạch duy nhất trong năm với sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn mỗi vụ. 

polyad

Cánh đồng ớt tại Thanh Bình vào vụ thu hoạch. Ảnh: Bizmedia.

Theo người dân bản địa, giống ớt chỉ thiên phù hợp với thổ nhưỡng cù lao, cho quả đỏ và cay hơn những vùng khác. Cây ớt dễ thích nghi, có thể trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất sinh trưởng nhất vào mùa khô. Sau khi xuống giống khoảng 2 tháng, ớt bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hái cách nhau 3-4 ngày.

Để tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt, dễ bị thương lái ép giá, nông dân chọn cách trồng rải vụ, cho thu đều hàng tháng. Ngoài ra, diện tích trồng ớt còn được phân chia khá rõ, một phần ba diện tích trồng vụ đông xuân, một phần ba trồng chính vào vụ xuân muộn và xuân hè, còn lại trồng nghịch vụ vào thời điểm hè thu sớm. Theo người dân địa phương, nhờ trồng ớt mà bà con có thêm thu nhập, bởi làm lúa theo mùa nhưng làm ớt, ngày nào cũng thu hái được.

polyad

Nhờ chất đất cù lao, phù sa màu mỡ nên quả ớt Thanh Bình có vị cay nồng đặc biệt cùng màu sắc đẹp. Ảnh: Bizmedia.

Năm 2012, hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phong có trụ sở tại xã Tân Huề - một trong 5 xã trồng ớt chủ lực tại huyện Thanh Bình được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể ớt Thanh Bình. Ngoài ra, bà con nông dân còn được cán bộ nông nghiệp địa phương hướng dẫn quy trình trồng an toàn, sử dụng phân bón hợp lý, cách ly thuốc đủ ngày để nâng cao giá trị cho quả ớt địa phương.

Từ năm 2015, huyện cũng xây dựng mô hình nhà lưới 1.000m2 làm nơi gieo hạt, ươm cây và cung cấp giống cho nông dân. Ớt trồng trong nhà lưới có tỷ lệ sống cao, chống lại dịch bệnh tốt hơn. Đến nay, huyện đã cung cấp được giống ớt sạch bệnh cho toàn bộ diện tích ớt trên 5 xã cù lao là Tân Bình, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề và Tân Long. Ngoài việc đảm bảo nguồn ớt giống, địa phương còn hình thành nhiều vựa thu mua ớt, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Vùng chuyên canh ớt cho sản lượng 25.000 tấn mỗi vụ tại Đồng Tháp
 
 

Quy trình trồng và chế biến ớt tại Thanh Bình.

Vào mùa thu hoạch, việc hái, chọn ớt còn giúp lượng lớn lao động địa phương có thu nhập ổn định trong nhiều tháng. Thanh Bình còn hình thành một số tổ nhân công chuyên môn như tổ xuống giống, tổ thu hoạch, tổ chọn ớt, mỗi tổ khoảng 10 người, tiền công tính theo khối lượng sản phẩm và chia đều cho các thành viên.

Sau khi thu hoạch, phân loại, ớt tươi, mẫu mã đẹp được xuất đi TP HCM hoặc đóng gói xuất khẩu qua các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Số còn lại được bán cho các cơ sở chế biến tương ớt, ớt bột, muối ớt…

Thu Giang

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi