Đắk Lắk là một trong những vựa cà phê lớn Tây Nguyên nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp. Tỉnh hiện có 200.000 ha trồng cà phê cho chất lượng tốt, hương vị thơm ngon. Song hiệu quả kinh tế chưa cao do nông dân còn canh tác manh mún, đơn lẻ.
Năm 2011, 48 hộ trồng cà phê tại thôn 1, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar cùng đồng lòng thành lập hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết. Mô hình làm ăn tập thể đã giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm canh tác của nhau, tăng năng suất, tạo dựng được thương hiệu cà phê Ea Kiết.
Đến năm 2015, trong khuôn khổ dự án "Xúc tiến thương mại công bằng tại Việt Nam", hợp tác xã đạt chứng nhận "Fair Trade" của Tổ chức chứng nhận thương mại công bằng thế giới (WFTO) và Tổ chức cấp nhãn hiệu thương mại công bằng (FLO). Nông dân bán cà phê cho hệ thống FairTrade sẽ được bảo đảm về giá thành.
FairTrade là một trong những tiêu chuẩn cà phê quốc tế. Ảnh: Fairtrade.org |
Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết cho biết: "Nông dân chúng tôi hiểu rõ: cơ hội để tiếp cận với thị trường toàn cầu không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm, cách canh tác gìn giữ môi trường, mà còn là nguồn gốc sản phẩm".
Để theo đuổi Fair Trade, các xã viên phải tuân thủ quy trình canh tác, kỹ thuật trồng cây che bóng, phun thuốc, bón phân, cắt cành, thời điểm thu hái (khi tỷ lệ quả chín đạt trên 90%), chế biến ướt trong 24h... Tất cả các tiêu chuẩn này nằm trong bộ quy tắc Fair Trade về môi trường, kinh tế, xã hội và bảo đảm công bằng.
|
Nông dân Ea Kiết tìm hiểu cách sử dụng dây chuyền chế biến ướt. |
Tại nhà máy chế biến ướt của hợp tác xã, quả cà phê đi qua các công đoạn băng tải, rửa sạch, tách vỏ thịt, đánh nhớt… Nông dân loại bỏ tạp chất, quả khô, quả xanh không đạt chất lượng. 100% quả chín tiếp tục được sơ chế cho chất lượng cao và đồng đều.
Hiện mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 200 tấn cà phê nhân, trong đó 10% được rang xay thành cà phê bột cung cấp cho thị trường. Trong khi mặt hàng cà phê ở nhiều nơi khác bị ép giá, cà phê Ea Kiết vẫn giữ giá ổn định.
Giang Ngọc