Nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan, cho giá trị kinh tế cao và được nhiều tỉnh thành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Quả có vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm.
So với một số giống truyền thống của Việt Nam như nhãn long, nhãn tiêu da bò, nhãn Ido kháng sâu bệnh tốt, năng suất và giá thành cũng cao hơn. Đây là loại cây trồng chủ lực, có mặt ở hầu hết các miệt vườn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ…
Để nâng cao chất lượng và định hình thương hiệu của sản phẩm này trên thị trường, đồng thời đưa ra thị trường xuất khẩu, cán bộ chuyên trách và nông hộ trồng nhãn ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thành lập các tổ hợp tác để phát triển cây nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGap.
Theo đó, cơ quan chức năng của huyện sẽ hỗ trợ các tổ hợp tác kiểm định chất lượng đất, giống cây trồng, tư vấn biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Thành viên trong tổ hợp tác sẽ trao đổi về cây giống, kỹ thuật chăm sóc và giám sát chất lượng sản phẩm.
Trong các tổ sẽ bầu ra tổ trưởng, tổ phó và cán bộ phụ trách kỹ thuật để đôn đốc, nhắc nhở thành viên thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Các tổ sẽ giám sát chéo lẫn nhau để tránh tình trạng một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến thương hiệu nhãn Ido của cả vùng.
|
Hiện nay, nhãn Ido Vĩnh Long có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Anh. Ảnh: Nông trang Island. |
Toàn bộ quy trình từ chọn giống, trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều phải kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, ở khâu chăm sóc, người trồng nhãn tại Long Hồ luôn tuân thủ liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời điểm bón phân, sử dụng thuốc, tránh làm ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả, giảm năng suất cây trồng.
Trong khâu thu hoạch, toàn bộ nhãn thu hái được đặt trên nền vải bạt để không làm dập, nát quả và hạn chế tình trạng bị lẫn tạp chất. Những chùm nhãn được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn: vỏ màu sáng, trái đều, đường kính từ 2,5 cm. Trước khi xuất khẩu, nhãn sẽ được chiếu xạ để loại bỏ ký sinh trùng và Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long kiểm tra về tồn dư chất bảo vệ thực vật. Sau khi đóng gói bao bì, nhãn sẽ được cấp mã vạch để có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Tháng 10/2014, sau những đợt kiểm tra cuối cùng của chuyên gia Mỹ, Cục bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này cho vùng trồng nhãn Ido Long Hồ. Hiện nay, sản phẩm có mặt tại những thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Anh.
Thu Nga