Năm 2012, đại dịch chổi rồng hoành hành khiến đọt non nhãn và bông bị biến dạng, xoăn tít lại giống như bó chổi, các bộ phận này không phát triển được, nên khả năng đậu trái kém, năng suất giảm sút nhiều, thậm chí mất trắng. Tuy nhiên, mô hình quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn đã giúp vườn nhãn Ido của gia đình anh Nguyễn Văn Thuấn và một số hộ tại ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vẫn phát triển tốt và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Thuấn cũng là một trong những người đầu tiên trồng cây nhãn Ido trên đất Hòa Lợi.
Trước đây, do chi phí trồng nhãn Ido cao gấp hai lần các loại nhãn khác và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nên hầu hết các nhà vườn tại Hòa Lợi, Vĩnh Long đều trồng nhãn truyền thống như nhãn long, nhãn tiêu da bò… Tuy nhiên, theo anh Thuấn, ngay từ khi cây nhãn Ido mới xuất hiện tại Việt Nam vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, anh đã mua giống về trồng thử. Sau một thời gian, nhận thấy cây nhãn phát triển tốt, tán tròn đẹp, anh Thuấn bắt đầu thực hiện nhân giống.
|
Nhãn Ido được Việt hóa thành công. Ảnh: caygiong.com. |
Khó khăn xuất hiện ngay sau đó khi cây nhãn Ido phát triển xanh tốt nhưng không ra hoa. Nguyên nhân do đây là giống nhãn ngoại nhập, không phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và đất ở Việt Nam. Lúc này, nhiều chủ vườn đã đốn bỏ giống cây và quay lại với giống nhãn truyền thống.
Về phía mình, anh Thuấn vẫn quyết tâm chinh phục giống nhãn ngoại nhập. Ban đầu, anh tự mày mò tìm hiểu các vườn trồng nhãn Ido ở những tỉnh khác và thử nghiệm xử lý giống như cây sầu riêng. Tuy nhiên, cây vẫn không ra hoa.
Không nản lòng, anh tiếp tục thử nghiệm tưới gốc cây bằng hóa chất Chlorate Kali (KClO3). Sau một vài lần thất bại, những bông hoa nhãn Ido đầu tiên đã xuất hiện tại vườn nhà anh. Tuy nhiên, lượng hoa này rất ít, không thể đậu quả. Với quyết tâm cao, anh Thuấn tiếp tục thử nghiệm và rút kinh nghiệm dần dần. Cuối cùng, cây nhãn Ido cũng khuất phục trước sự kiên trì của anh với tỷ lệ ra hoa của cây đạt 70-80%.
Tưởng chừng mọi chuyện bắt đầu thuận lợi nhưng đến vụ thu hoạch, khó khăn lại nảy sinh. Do trái chín vào cùng thời điểm với các loại nhãn khác và đúng vào vụ chín của vải thiều, chôm chôm, nên nhãn Ido bị rớt giá. Rút kinh nghiệm từ việc kích thích cây ra hoa khi trước, anh Thuấn bắt đầu thử nghiệm việc điều khiển thời điểm cây ra hoa theo ý muốn.
Cụ thể, anh điều chỉnh thời điểm ra hoa của cây để trái có thể cho thu hoạch vào Tết dương lịch và một số vụ khác. Kết quả, vườn nhãn Ido nhà anh Thuấn đạt sản lượng gần chục tấn nhãn mỗi vụ, với giá thành từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng một kg tùy thời điểm. Vườn nhãn Ido đã mang lại cho gia đình anh Thuấn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bằng sự kiên trì và lòng quyết tâm chinh phục giống nhãn ngoại nhập Ido, anh Thuấn nhanh chóng làm giàu cho gia đình. Hiện nay, vườn nhãn của anh được nhiều người đến tìm hiểu, tham quan và học hỏi.
Thu Nga