Khoác 'áo mới' cho quả hồng chín Đà Lạt

  • 01/08/2019
  • 429 đã xem
  • Bình luận

Từ lâu, cây hồng là loại cây ăn quả lâu đời của vùng đất Đà Lạt, Lâm Đồng. Tuy nhiên, do sản lượng hồng hàng năm quá lớn nên đầu ra luôn gặp khó khăn. Có thời điểm, giá hồng tươi bán tại vườn chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng một kg, nên người dân dần chặt bỏ hồng và chuyển sang loại cây trồng khác. Không đành lòng nhìn diện tích hồng dần mai một, ông Trần Phú Lộc - một người dân sống tại đường Ba Tháng Tư, TP Đà Lạt đã quyết tâm tìm hướng đi mới cho cây trồng này.

Sau khi nghỉ hưu tại Công ty cổ phần Rượu bia Đà Lạt, năm 2014, ông Lộc dùng một khoản tiền của mình để qua Nhật học cách làm hồng sấy. Tại đây, ông trở thành người nông dân thực thụ khi được sống và làm việc với người dân bản địa. Nhờ vậy, ông Lộc cũng tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích.

polyad

Sản phẩm hồng sấy của ông Trần Phú Lộc đạt chứng nhận "Sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu năm 2015". Ảnh: Bizmedia.

Khi đã trang bị đầy đủ kiến thức về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, cách chế biến tại Nhật; ông Lộc quyết định về nước và sản xuất hồng sấy khô. Ngay sau khi về tới quê hương, ông đầu tư một tỷ đồng để làm hệ thống nhà kính và các trang thiết bị máy móc. Nguyên liệu đầu vào được ông mua tại huyện Đơn Dương với giá ổn định 15.000-20.000 đồng một kg hồng tươi. Nhờ đó, bà con Đơn Dương có thêm động lực để giữ lại các vườn hồng tại địa phương.

Để làm hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản, quả hồng phải to, chín đủ độ, không chứa hóa chất. Hồng sau thu hoạch sẽ được đem về nhà xưởng sơ chế, gọt vỏ, xử lý vô trùng, sấy và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ông Lộc không phơi hồng trực tiếp dưới nắng mà thông qua hệ thống nhà kính và màng lưới, nhằm tránh xa những loại côn trùng bên ngoài. Một bí kíp mà ông học được từ người Nhật chính là: massage cho hồng. Cụ thể, sau khoảng một tuần khi hồng se lại, người công nhân sẽ dùng tay massage từng quả. Việc làm này giúp hồng sấy được mềm, lượng đường trong quả tiết ra nhiều và cô đặc thành mật.

Trước đây, nhà vườn Đà Lạt thường thực hiện sấy hồng theo cách thủ công bằng lò than. Bởi vậy, nếu bị quá lửa, hồng sẽ có màu đen. Còn hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản có chất lượng mẫu mã đồng đều, hương vị thơm ngon như khi ăn hồng tươi. Thành phẩm hoàn thành được bán với giá từ 350.000-400.000 đồng một kg.

Từ khi công nghệ này được ứng dụng thành công, nhiều nông hộ ở Đà Lạt đã không còn mất nhiều công sức tìm đầu ra cho quả hồng. Bên cạnh đó, người dân trong nước cũng có thêm cơ hội sử dụng những sản phẩm nông sản chất lượng của Việt Nam.

Quỳnh Nguyễn

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi