Mô hình trồng rau an toàn, hiệu quả ở Yên Phú

  • 01/08/2019
  • 813 đã xem
  • Bình luận

Từ hình thức trồng rau phân tán, manh mún, năng suất thấp và chất lượng không được kiểm định, qua nhiều năm, những người nông dân trồng rau sạch tại hợp tác xã nông nghiệp Yên Phú (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ. Theo đó, người dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững. 

Tháng 6/2010, dự án JICA bắt đầu được triển khai tại một số tỉnh phía Bắc. Tại tỉnh Hưng Yên, xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) - địa phương có truyền thống về sản xuất rau xanh được chọn làm địa bàn thí điểm.

Vườn cà chua sai trĩu quả của người nông dân Yên Phú. Ảnh: dangcongsan

Vườn cà chua sai trĩu quả của người nông dân Yên Phú. Ảnh: dangcongsan.

Trước thời điểm dự án được thực hiện, tại Yên Phú, diện tích trồng rau của các hộ nông dân khá phân tán, năng suất thấp và chưa xứng với tiềm năng đất đai. Sau thu hoạch, chất lượng rau chưa được kiểm định, việc sơ chế, bảo quản rau để cung cấp cho thị trường chưa được quan tâm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sẩn phẩm khi tiêu thụ; sản lượng rau thấp; giá cả bấp bênh… Năm 2011, dự án JICA bắt đầu được triển khai ở Yên Phú trên quy mô khoảng 3ha với sự tham gia của hơn 40 hộ dân trong xã, tập trung vào một số loại rau chủ lực gồm su hào, cà chua, cải ngọt, cải bẹ Đông Dư, cải bắp. 

Với hình thức sản xuất mới, việc trồng rau trong giai đoạn đều phải tuân theo các quy trình nghiêm ngặt. Theo đó, đất trồng rau luôn được làm sạch trước các kỳ gieo trồng, hàm lượng ure, nitrat được khống chế ở mức dưới ngưỡng, nguồn nước tưới tiêu là nước sạch. Ban quản lý dự án tỉnh chịu trách nhiệm cung cấp hạt giống, vật tư nông nghiệp do dự án hỗ trợ cho nông dân.

Trong quá trình chăm sóc rau, phòng trừ sâu bệnh, nông dân được cán bộ quản lý trực tiếp cung cấp phân bón hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc thời gian cách ly 3-7 ngày và được hướng dẫn chi tiết về việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Hàng tháng, cán bộ quản lý hợp tác xã tổ chức buổi trao đổi, đánh giá, nhận xét với bà con. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất của các hộ nông dân.

Qua nhiều năm triển khai dự án, nông dân xã Yên Phú đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, tiếp thu được nhiều kỹ thuật sản xuất mới, phục vụ ngay trên đồng ruộng của mình. Kết quả thực tế cho thấy, các loại cây trồng trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, một số loại rau ngắn ngày cho thu hoạch và bán được giá cao. Các hộ trong mô hình đều thực hiện tốt theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, giảm tổn thất khi thu hoạch. Các loại rau trồng được đầu mối thu mua với giá cao, theo đó, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng.

Tháng 6/2013, khi mô hình kết thúc, hơn 40 hộ dân vẫn muốn tiếp tục duy trì vùng rau sạch. Sau khi cân nhắc, hợp tác xã Yên Phú cùng lãnh đạo địa phương quyết định quy hoạch, mở rộng diện tích trồng rau sạch. Đầu năm 2014, diện tích rau sạch toàn xã đạt 8,5ha. Đến nay, diện tích này là 15,5ha với 193 hộ tham gia. Thực tế đó cho thấy, phần lớn nông dân Yên Phú đã có sự thay đổi rõ nét về nhận thức và kỹ thuật sản xuất rau an toàn, nắm được quy trình, ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi thực hiện sản xuất rau an toàn, hướng tới mục tiêu vì cộng đồng.

Minh Đức

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi