Lần đầu tiên nghe đến cái tên Sìu Châu, tôi liên tưởng đến ngay vùng đất Triều Châu, phải chăng thứ kẹo này có nguồn gốc từ phương Bắc. Đến lúc lớn lên, mới hay suy luận của mình là đúng, nhưng có một điều thứ kẹo này hoàn toàn là thuần Việt, do người Việt làm ra.
Đó là một thứ kẹo lạc cao cấp (hoặc kẹo vừng, vừng pha lạc). Vì cửa hàng đặt tại cửa nhà số 4 Hàng Sắt dưới, xế cửa đền Triều Châu (Thiều Châu), một ngôi đền cổ của hội những người đồng hương thuộc huyện Triều Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc sang sinh cơ lập nghiệp ở đất Sơn Nam Hạ từ lâu đời, ngay bến Ngự sông Vị Hoàng xưa nên mới có tên như vậy. Như thế Sìu Châu chính là biến âm dần dần của Triều Châu.
Ăn kẹo Sìu Châu, người ta thường biết đến cái tên Nguyên Hương, cửa hiệu được cụ Đỗ Phúc Nhật sáng lập năm 1880. Ở kẹo Sìu Châu Nguyên Hương người ta được làm quen với những viên “lạc bò”, những viên lạc đã được chọn kỹ, rang chín thấu, giòn thơm ngậy, nấu với “đường chõ” hoặc “đường phèn” (nay nấu với đường kính nhà máy Vạn Điểm) quện với mạch nha chế từ gạo nếp hương và mộng mạ.
Mỗi thanh kẹo xù xì quăn queo được bao trong vỏ bột nếp hương (cái hoa vàng) của đất Quần Liêu có tác dụng vừa chống ẩm vừa để ủ cho kẹo lên hương. Cái tài tình của người chế biến là ở một thời điểm nào đó kẹo được nấu trong “chảo đồng điếu” bằng nhiệt lượng đượm của lửa than củi đã tạo nên một thứ kẹo lạc thanh có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, không dính răng, thơm lừng, ngọt đậm, để lại một dư vị vô cùng thích thú… Những ai có lần ca ngợi cái sành cái khôn của các cụ khi thưởng thức hương vị của kẹo mạch nha nếp hương trong tác phẩm “Hương cuội – Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân mà áp dụng cách thưởng thức tinh tế đó vào kẹo Sìu Châu Nguyên Hương sẽ còn thích thú hơn nhiều. Kẹo giòn, mềm, lại tơi, rất phù hợp với nhu cầu thưởng thức của nhiều lứa tuổi. Có người cầu kỳ đã thử độ giòn tan của kẹo Sìu Châu khi thời tiết hanh khô, thả rơi kẹo xuống mặt bàn đá hoặc gỗ lim ở độ cao 0,7m-1m, miếng kẹo vỡ tan ra từng mảnh như những mảnh pha lê màu hồng. Một đặc điểm nữa của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, do kỹ thuật độc đáo của nhà chế biến đã khử được chất hôi của dầu lạc và để được khá lâu không ỉu. Có người đã quên một gói kẹo Sìu Châu vùi trong cót thóc từ Tết Nguyên Đán cho đến tháng mười mới giở ra ăn, kẹo vẫn thơm ngon, giòn tan, hương vị vẫn đậm đà, béo ngậy.
Gần hai thế kỷ nay, tiếng lành đồn xa, kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định được nhân dân địa phương và du khách trong và ngoài nước ưa thích. Ai đến Nam Định nếu là người sành sỏi, lịch lãm đều tìm mua một vài cân kẹo Sìu Châu Nguyên Hương ở phố Hàng Sắt dưới, cùng với buồng “chuối ngự mít” Đại Hoàng thường bán ở chợ Rồng là những đặc sản độc đáo của đất non Côi – sông Vỵ về làm quà. Món quà quý này khi ăn mà có một chén trà ướp sen thì thú vị biết bao!
Những người xa quê hương Nam Định hàng chục năm, mỗi lần nhớ về quê hương sông Vỵ đều nhắc đến hương vị đậm đà, mộc mạc mà thanh tao của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương cùng với những vần thơ bất hủ của cụ Tú Xương.
Nhà văn Nguyên Hồng đã miêu tả sự trân trọng của gia đình ông mỗi lần Tết về thăm quê ngoại nhất thiết phải có một cân kẹo Sìu Châu để Tết ông bà ngoại, trong cuốn “Một tuổi thơ văn”. Nhà thơ Xuân Diệu mỗi lần bình thơ Tú Xương đều không quên nhắc tới cái hương vị đậm đà mang sắc tộc Việt Nam của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương. Nhạc sỹ Văn Ký đã đưa kẹo Sìu Châu vào một ca khúc trong vở nhạc kịch “Đảo xa” để khẳng định sự quý mến của nhân dân địa phương Nam Định đối với một thứ đặc sản quê hương. Ông Tú Xương xưa, bằng giọng thơ trào lộng đã phải lấy kẹo Sìu Châu để so sánh với cái “mứt rận” của mình:
Kẹo chú Thiều Châu đâu sánh được,
Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa!
Cụ Nguyễn Khuyến khi về ở ẩn quê nhà, có lần nhận được một cân kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định do học trò của cụ là Án sát Trần Tán Bình gửi biếu thầy. Khi ấy mắt nhà thơ đã bị loà, giở gói kẹo ra ăn, cụ vô cùng thích thú nhận ngay ra và đọc luôn:
Nguyên phùng tả hữu lai vô tận
Hương dẫn chi lan nhập tức văn.
Nhà thơ nhớ lại những ngày ở Nam Định thấy khách thập phương lui tới nhà hàng Nguyên Hương để mua kẹo suốt ngày, đông không ngớt. Và bây giờ thưởng thức miếng kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, cái vị đặc sắc của nó ví như mùi thơm vương giả của hoa lan, cụ nhận ra ngay, đó đích thực là kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định. Một số anh em ở chiến trường B thời chiến tranh chống Mỹ mỗi khi nhớ về quê hương Nam Định thường ngồi đọc thơ Tú Xương rồi đọc một câu ca dao dân dã:
Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy hai con cọp đang nhai kẹo Sìu
Để mà vui, mà nhớ, mà cười …
Không phải ngẫu nhiên mà một món ăn quý ở địa phương lại được đi vào thi ca của dân tộc từ bình dân đến văn chương bác học như vậy! Cho nên một nhà thơ nhân dịp Tết đến, ông được thưởng thức kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, lại được đọc thơ Tú Xương, đã ứng khẩu một đôi câu đối:
Xuân có kẹo Sìu Xuân đượm sắc
Tết còn thơ Vỵ, Tết Nguyên Hương
Kẹo Sìu Châu đã trở thành niềm tự hào của người dân Nam Định về mảnh đất, con người ngàn năm văn hiến của mình.
Theo tuhai.com.vn
Cảm ơn các bạn đã theo dõi chametainang.net của chúng tôi !
Xem thêm: Dinh Dưỡng Trong Trái Cây Sấy Khô