Là niềm tự hào của người dân Hà Giang, chè Shan Tuyết không chỉ được trồng, chăm sóc kỹ lưỡng mà quá trình cho ra thành phẩm cuối cùng cũng phải đảm bảo những quy tắc nhất định. Đến thăm nhà máy chè Hùng An ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, bạn sẽ được tìm hiểu rõ hơn về mô hình chế biến và sản xuất chè Shan Tuyết sạch.
Cánh đồng chè rộng 250 ha ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: bizmedia. |
Anh Trần Hùng Cường - quản đốc nhà máy chia sẻ, mỗi sản phẩm chè phải trải 7 công đoạn chính để có được thành quả cuối cùng. Đầu tiên là khâu lựa chọn và kiểm tra nguyên liệu. Theo đó, người dân chỉ chọn những búp chè tươi non, không bị sâu bệnh, đã ngấm đủ tinh hoa của sương sớm đất trời để đưa tới nhà máy chế biến. Tiếp theo, những công đoạn như sao diệt men, vò, sấy, lăn lấy hương sẽ được thực hiện bởi máy móc công nghệ cao thay sức người. Cuối cùng là khâu đóng gói hoàn chỉnh do chính tay những người thợ chăm chút.
Cũng như Hùng An, các nhà máy chè ở Hà Giang phải tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chặt chẽ. Những người nông dân thu hoạch chè cũng cần thực hiện những nguyên tắc, trình tự của tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm, sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Tại nhà máy chè Hùng An, các công đoạn sản xuất tuân thủ theo tiêu chuẩn HAAP (hệ thống quản lý chất lượng) trước khi phân phối chè ra thị trường.
Trang thiết bị hiện đại trong nhà máy sản xuất chè giúp giảm sức người, tăng năng suất. Ảnh: bizmedia. |
Để làm việc trong nhà máy chè, đội ngũ nhân công, kỹ sư phải được đào tạo hoặc có bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn nghiệp vụ. Ngay từ lúc mới vào nhà máy, quy trình sản xuất và cách vận hành máy móc cụ thể sẽ được hướng dẫn cho từng người. Ngoài ra, những vị trí cao như nhân viên kỹ thuật máy, nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm đều phải có bằng cấp về công nghiệp chế biến chè (từ trung cấp trở lên).
Bên cạnh đó, nhà máy cũng trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho nhân công để đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất cũng như vệ sinh cho sản phẩm. Cụ thể, nhân viên chế biến chè phải mặc quần áo bảo hộ màu xanh có đội mũ, đeo găng tay và khẩu trang. Nhân viên đóng gói mặc áo blouse trắng đã được khử trùng, đội mũ và đeo khẩu trang y tế, đặc biệt, tay phải luôn sạch sẽ.
Nhân viên nhà máy đóng gói chè trong phòng lạnh. Ảnh: bizmedia. |
Quy trình sản xuất chè Shan Tuyết khép kín được giữ sạch từ trên đồi chè đến khi cho ra thành phẩm. Người dân trồng chè cũng chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo mộc trong suốt quá trình chăm sóc. Bởi vậy, chè Shan Tuyết Hà Giang luôn bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, mô hình sản xuất khép kín kết hợp với máy móc, trang thiết bị hiện đại vừa giúp tiết kiệm sức lao động cho con người lại vừa tiết kiệm thời gian, do đó, năng suất sản xuất cũng tăng theo. Trong tương lai, người dân Hà Giang sẽ nhân rộng và trồng mới những giống chè khác có năng suất cao hơn, lại có khả năng chống lại sâu bệnh tốt như chè Phúc Vân Tiên, chè Kim Tuyên, chè Vân Tiên...
Mảnh đất Hà Giang từng ngày thay đổi vì người dân biết làm giàu từ những thứ mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Hy vọng, trong tương lai, tỉnh Hà Giang cũng như những địa phương khác sẽ áp dụng triệt để mô hình sản xuất chè sạch để đem những gói trà Việt Nam đi khắp thế giới.
Như Quỳnh