Ông Hồ Văn Kiệt - người được mệnh danh là "vua bưởi Sông Xoài" từng gắn bó nhiều năm với nghề trồng lúa ở Long An. Thu nhập ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống nên năm 1997, ông đưa gia đình về ấp Sông Xoài, Bà Rịa Vũng Tàu làm ăn.
Thời điểm đó, ông thấy nhiều người giàu lên từ cây cà phê, giá tương đối ổn định, thị trường tiêu thụ tốt, nên cũng mua 4 sào đất đổi đời. Thế nhưng tới thời điểm thu hoạch, giá cà phê xuống thấp còn 4.000-5.000 đồng mỗi kg, tiền thu về không đủ trả chi phí phân bón, nhân công. Ý nghĩ phá vườn cà phê luôn thường trực trong đầu ông.
|
Ông Hồ Văn Kiệt hiện là giám đốc hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài. Ảnh: Bizmedia |
Giữa lúc cây cà phê gặp khó, ông nảy ra ý định nghiên cứu các giống bưởi sau lần tình cờ nếm thử loại bưởi rừng thơm ngon. Thời điểm năm 2000, công nghệ thông tin chưa phát triển, việc tìm tài liệu về quy trình, kỹ thuật trồng bưởi gặp nhiều hạn chế. Ông Kiệt muốn học hỏi kinh nghiệm của người đi trước cũng không được, vì ở Sông Xoài chưa có ai thử nghiệm giống bưởi da xanh.
Giai đoạn đầu khởi nghiệp đối diện với hàng loạt khó khăn, song ông Kiệt luôn tâm niệm nếu dám nghĩ dám làm, cố gắng học hỏi tìm tòi thì nhất định sẽ thành công. Ông lặn lội tới Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam để được tư vấn về cách trồng bưởi và mua cây giống. Ngày nào ông Kiệt cũng chăm chú nghe kênh radio nông nghiệp TP HCM để tích lũy kinh nghiệm.
Vườn bưởi của ông Kiệt ở Sông Xoài
Trước khi trồng, ông cải tạo đất đai bằng cách để cỏ mọc hoang 4 tháng, mua vật tư phân bón, lắp hệ thống tưới nước tự động. Tự tin với nguồn kiến thức tìm hiểu được, năm 2000, ông mạnh dạn trồng 110 cây trên diện tích 1,5 ha. Thời gian đầu, gia đình tự cải tạo vườn trong 6 tháng. Sau 2 năm, vườn bưởi cho thu hoạch những trái ngọt đầu tiên với sản lượng 7 tấn mỗi ha.
Ông Kiệt cho biết, Sông Xoài có nhiệt độ mùa khô cao, nắng chiếu đến 2.400 giờ mỗi năm, nên nước tưới rất quan trọng. Nước phải được bơm từ giếng qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc bưởi, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu thể trạng của cây, không thừa không thiếu. Để hạn chế sâu bệnh gây hại, trước hết cần chủ động chăm sóc tốt để cây tăng sức kháng bệnh, cắt tỉa cành 2 năm một lần tạo thông thoáng, quang hợp tốt.
Xác định trồng bưởi da xanh an toàn phục vụ người tiêu dùng bền vững, nên ông Kiệt chủ động canh tác theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2015, toàn bộ 3,7ha bưởi da xanh (gần 300 gốc) đều đạt được chứng nhận này. Sản lượng ổn định khoảng 150 tấn bưởi sạch, mang lại thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
|
Bưởi da xanh Sông Xoài trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh. Bizmedia |
Không giữ bí quyết trồng bưởi da xanh ngon cho riêng mình, ông Kiệt còn hướng dẫn bà con quy trình và kỹ thuật canh tác. Đồng thời, ông đứng ra thành lập hợp tác xã, vận động bà con cùng tham gia liên kết sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Được chính quyền địa phương hỗ trợ, năm 2013, hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài được thành lập. Ông Kiệt - Giám đốc hợp tác xã tham vọng từ nay đến năm 2020, bà con sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi lên 1.000ha để hướng ra xuất khẩu.
Với 17 năm phát triển bưởi da xanh và đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương, tháng 10/2016, ông Kiệt là một trong 24 nông dân trên toàn quốc được nhận bằng khen của Thủ tướng và kỷ niệm chương do Chủ tịch nước trao tặng.
Thanh Thủy