Mô hình trồng bưởi da xanh VietGAP tại Bình Thành

  • 01/08/2019
  • 653 đã xem
  • Bình luận

Tân Mỹ Chánh là xã ngoại thành của thành phố Mỹ Tho, vốn là mảnh đất lúa với nghề canh tác hoa kiểng truyền thống. Khoảng 20 năm trở lại đây, giống bưởi da xanh được bà con trồng nhiều, sinh trưởng tốt trên nền đất phù sa bồi đắp từ sông Tiền của xã Tân Mỹ Chánh, mang lại giá trị kinh tế cao với mức giá ổn định trên 45.000 đồng một kg.

Thời gian đầu, do các hộ trồng tự phát, chăm sóc cây chủ yếu dựa theo kinh nghiệm nên bị động trước sâu hại, dịch bệnh. Thời tiết thất thường cũng khiến năng suất cây bưởi không ổn định. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường dẫn tới giá bán bưởi lệ thuộc vào thương lái, đầu ra cho quả bưởi bấp bênh.

Để hoạt động trồng bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con, tháng 5/2014, xã Tân Mỹ Chánh thành lập tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh tại ấp Bình Thành. Chủ nhiệm tổ hợp tác là ông Nguyễn Văn Xinh đã tới vận động từng hộ cùng tham gia.

Ban đầu, bà con còn e ngại nhưng qua một thời gian, thấy nhiều mô hình hợp tác tại các địa phương khác (như Bến Tre) có hiệu quả tốt, bà con dần tự nguyện đăng ký tham gia. Năm 2015, tổ hợp tác vận động bà con chuyển đổi sang trồng bưởi theo hướng VietGAP đồng bộ, nhằm nâng cao giá trị thương phẩm cho quả bưởi.

mo-hinh-trong-buoi-da-xanh-vietgap-tai-binh-thanh

Bưởi da xanh là loại trái cây đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: buoidaxanhVietGAP.

Ưu điểm của mô hình tổ hợp tác là mọi thành viên được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các buổi sinh hoạt. Qua đó, hội viên cập nhật thông tin thị trường, bám sát được tình hình của các tổ viên khác để kịp thời hỗ trợ. Cùng với đó, các thành viên tổ còn tiến hành góp vốn xoay vòng để hỗ trợ vốn cho các tổ viên có kinh phí sản xuất.

Trong suốt thời gian thực hiện trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ bà con tham gia được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang hướng dẫn cách bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, bà con cũng được lưu ý cách thu gom rác thải từ vỏ thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng trang phục bảo hộ lao động trong quá trình làm vườn và cách tuân thủ theo tiêu chuẩn sản xuất trái cây an toàn thực phẩm. Nhờ đó, trình độ và kỹ thuật canh tác của người dân được cải thiện nhanh chóng, đồng thời năng suất, chất lượng của quả bưởi cũng tăng rõ rệt so với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước kia.

Theo ông Xinh - chủ nhiệm tổ hợp tác, một năm, cây bưởi da xanh có thể cho thu hoạch tới 10 vụ. Nếu được chăm sóc tốt, một công đất khoảng 1.000m2 có thể cho thu hoạch từ 1 đến 1,2 tấn quả. Với mức giá trên thị trường hiện tại ổn định từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng một kg, cây bưởi da xanh mang về trên dưới một tỷ đồng mỗi năm cho người trồng.

Hiện nay, tổ hợp tác có hơn 30 thành viên với gần 20ha trồng bưởi. Cuối năm 2015, toàn bộ diện tích trồng bưởi của tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh ấp Bình Thành đã được chứng nhận VietGAP. Đầu ra cho quả bưởi đã được bao tiêu toàn bộ bởi các đơn vị thu mua từ TP HCM, Cần Thơ và Bến Tre.

Sự thành công của mô hình tổ hợp tác sản xuất tại ấp Bình Thành cho thấy hướng phát triển bền vững của quả bưởi da xanh. Trong tương lai, đây sẽ là mô hình điểm để bà con tiếp tục nhân rộng hình thức trồng bưởi da xanh tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Giang Tạ

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi