Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối quan hệ giữa chế độ ăn uống với phòng chống ung thư, trong đó chỉ ra nhóm chất dinh dưỡng có tác dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả mà bạn nên biết để tích cực bổ sung vào thực đơn gia đình. Sau đây là 10 nguyên tắc ăn uống giúp gia đình bạn có chế độ ăn hợp lý để ung thư không đến "gõ cửa".
Ảnh minh họa.
Không phải ngẫu nhiên, các chất dinh dưỡng và vitamin chống oxy hóa lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia về dinh dưỡng và ung thư. Đây là các hóa chất tác động trực tiếp tới quá trình oxy hóa – một quá trình có thể tạo ra tác nhân gây ung thư.
Theo định lượng của Cục quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ, để có đủ các chất chống oxy hóa, mọi người phải ăn tối thiểu 5 suất trái cây và rau xanh hàng ngày. Trong nhóm vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng có tác dụng giảm nguy cơ ung thư, trong những năm gần đây người ta nhắc nhiều đến Beta carotene và một số hợp chất tương tự.
Beta carotene có nhiều trong gấc, rau ngót, ớt chuông vàng, rau dền cơm, cà rốt, rau đay, dưa hấu... Trong khi vitamin E, vitamin nhóm B và vitamin C cũng có một số đặc tính đặc biệt góp phần phòng chống nhiều bệnh ung thư.
Giới chuyên môn chỉ ra rằng, vitamin E là chất chống oxy hóa quan trọng với vai trò hấp thụ gốc tự do nhằm ngăn chặn sự sinh ra các sản phẩm phụ trong phản ứng hóa học của tế bào có thể gây tổn thương tế bào.
Vitamin C cũng có tác dụng tương tự bên cạnh chức năng làm lành các mô (Vitamin E có nhiều trong hạnh nhân, củ cải, bơ, rau cải xanh, đu đủ…).
Trong khi đó, các chất trong nhóm vitamin B có chức năng ổn định các màng quan trọng. Nhờ chứa PABA (chất ngăn tia cực tím) mà nhóm vitamin này hỗ trợ tích cực trong phòng chống ung thư da.
Vitamin nhóm B chứa nhiều trong các loại hạt, trái cây có múi, súp lơ, quả dâu và một số loại hải sản, thịt, cá... tuy nhiên khi bổ sung thịt, cá, hải sản cần có định lượng phù hợp.
Dưới đây là 10 nguyên tắc khi ăn uống bạn nên nhớ:
- Xây dựng thực đơn đa dạng, định lượng dinh dưỡng hợp lý.
- Bổ sung nhiều loại trái cây và rau xanh vào bữa ăn hàng ngày.
- Tăng lượng thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao như ngũ cốc, hoa quả, rau củ.
- Cắt giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn.
- Uống nhiều nước nhưng hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
- Giảm lượng muối trong chế biến và ăn uống.
- Nên ưu tiên chế biến thực phẩm tươi sống với độ chín hợp lý.
- Hạn chế đồ ăn đóng hộp.
- Hạn chế dùng thực phẩm ướp muối, xông khói.
- Nên tích cực vận động và duy trì cân nặng phù hợp.