Doanh nhân vỡ đất, kéo điện lên đỉnh Phja Đén trồng chè Ô-long

  • 13/08/2019
  • 676 đã xem
  • Bình luận

Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Kolia Cao Bằng vẫn nhớ như in cột mốc năm 2010, thời điểm ông đặt chân lên Phja Đén (đọc là Phia Đén), vùng núi cao 1.300m -1.900m thuộc huyện Nguyên Bình, phía nam Cao Bằng. Lúc đó vào mùa đông, liên tiếp những đợt rét đậm có băng. Cả đoàn 50 người đóng trại trên chốn rừng thiêng nước độc, đốt lửa xua sương rét để chuẩn bị kịp trồng chè đầu xuân.

"Vùng này trước là đất trống đồi trọc, những ngày đầu phải đi kéo nước từ suối từ cách đây 7km về, tự thi công đường, vỡ hoang tổng 30ha, kéo một đường dây 3 pha lên núi để phục vụ điện", ông Ngọc cho biết.

Theo vị doanh nhân sinh năm 1971, đất Phja Đén màu mỡ vì chưa từng canh tác, nhưng phải làm vỡ từng tầng đất để giúp rễ chè sinh trưởng tốt. Sương mù, độ ẩm cao, chênh lệch ngày đêm lớn là một trong những yếu tố tạo nên hương vị thơm ngon của loại trà Ô-long núi cao được ưa chuộng trên thế giới.

Đồi chè trên độ cao 1.300m -1.900m ở huyện Nguyên Bình.

Đồi chè trên độ cao 1.300m -1.900m ở Phja Đén, Nguyên Bình, Cao Bằng.

Khi mới bắt đầu, ông Ngọc phải đi thu gom từng mẻ phân hữu cơ ở các hộ dân dưới bản. Sau nhiều năm xây dựng thành mô hình khép kín, ông đầu tư thêm khu nuôi bò, thỏ, ngựa để có nguồn phân ủ dồi dào. Vừa trồng chè, ông Ngọc vừa xây xưởng chế biến, chỗ ở cho công nhân, để chè hái về được chế biến ngay. Ông cũng vỡ thêm đất trồng rau tự cung tự cấp, đào thêm ao nuôi cá và trữ nước suối dẫn về. 

Không chỉ làm trà ngon, ông Ngọc còn mong muốn quảng bá sản vật và văn hóa Cao Bằng thông qua du lịch đồi chè. Ông dựng thêm vài ngôi nhà sàn dài để làm nơi sinh hoạt văn hóa với dân địa phương và phát triển du lịch. Năm 2012, khu nghỉ dưỡng sinh thái trên đỉnh đèo hoàn thành, cả nông trại được đặt tên là Kolia, theo tên nữ kỹ sư người Pháp trước đây từng lên khai phá vùng đất này.

Kolia cách thành phố Thái Nguyên khoảng 150km, cách hồ Ba Bể 60km, giao thông nay đã có những con đường trải nhựa bằng phẳng. Trang trại chè nhìn xuống thị trấn Phja Đén, bên phải là núi Phja Đén, bên trái là núi Phja Oắc. Từ nông trại lên đỉnh Phja Oắc – nóc nhà miền Đông Bắc mất 15km với rừng đỗ quyên hàng trăm năm tuổi, rừng rêu, rừng lùn nguyên sinh. Nơi đây vừa được Chính phủ phê duyệt thành lập vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén.

Trồng chè trên Phja Đén

Doanh nhân vỡ đất, kéo điện lên đỉnh Phja Đén trồng chè
 
 

Hiện ở Kolia trồng chè kim tuyên hay Ô-long thanh tâm. Chè thường được hái vào 8h, lúc lá chè hết sương sẽ có hương thơm tốt nhất. Nếu thời tiết tốt, mỗi mẻ chè Ô-long mất khoảng 48 tiếng chế biến, gấp đôi loại chè xanh thông thường.

Ông Mạnh Ngọc không rõ cây chè cổ xuất hiện ở Phja Đén từ bao giờ. Song từ xa xưa, chỉ dẫn giống loài của cây chè châu Á đã có tên mảnh đất Nguyên Bình. Khoảng 10 năm trước, ông Hoàng Thái - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng đi khảo sát địa bàn, đã phát hiện ra cây chè trên đỉnh Phja Đén heo hút.

Năm 2005, ông Thái mời các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Chè, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc lập đề tài khoa học trồng thử nghiệm 3,2ha. Kết quả cho thấy, cây sinh trưởng tốt nhờ hợp thổ nhưỡng.

5 năm sau, ông Thái mời tiếp những người bạn doanh nhân của mình lên tìm cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Trong chuyến đi ấy, ông Mạnh Ngọc bị "hớp hồn" bởi cảnh sắc, đất đai và nhận thấy tiềm năng trồng chè của Phja Đén.

Trà Ô-long dạng viên

Trà Ô-long dạng viên trồng trên đất Phja Đén.

Theo ông Ngọc, nước ta nhiều nơi trồng được giống chè Ô-long, nhưng do địa chất nên vị chè mỗi nơi mỗi khác. Vùng Lâm Hà, Lâm Đồng có độ cao tương đương, nhưng nóng và khô hơn, không có lớp sương dày như ở Phja Đén. Phja Đén có khí hậu nhiệt đới, ban đêm nhiều sương, độ ẩm cao. Cây chè gần như được “trời tưới”, lợi thế hơn hẳn so với con người tưới.

Phja Đén xưa kia cũng nằm trong vùng khoáng sản dồi dào, tương tự với vùng chè Hebizuka (Nhật Bản). Khu vực này có nhiều đá màu tím, vàng hoặc đỏ giống như ở Yi Xing (Nghi Hưng), Trung Quốc; đảo Sado hay núi Iga ở Nhật Bản. Đất giàu khoáng chất thường nghèo dinh dưỡng và nhanh thoát nước. Cây chè phát triển chậm, song bù lại, mùi vị được cô đặc cao bên trong lá chè, mang lại hương vị mạnh.

Sườn trồng thoát nước tốt, cây chè khó nhiễm kim loại nặng, độ pH đất Phja Đén vào khoảng 5, vị trí trồng cô lập. Đoàn kiểm tra của Hiệp hội Xúc tiến Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM) năm 2016 đã kiểm tra kỹ đất canh tác, nước tưới, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì sản phẩm, kỹ thuật trồng trọt, động vật gây hại, vùng đất liền kề, tài liệu và hồ sơ theo dõi ghi chép rồi mới cấp chứng chỉ hữu cơ cho Kolia. Cứ 6 tháng, IFOAM đến kiểm tra lại một lần.

- 2

Nước trà trong, trà đậm đà, thoảng mùi hoa rừng. 

Trà Ô-long (nghĩa là rồng đen) có nguồn gốc từ Phúc Kiến, Trung Quốc. Trà đen, xoăn, cong, giống hình rồng. Vận chuyển làm sản phẩm bị dập nát, nên người Đài Loan (Trung Quốc) đã tìm ra cách vo thành viên tròn như hiện nay. Trà Ô-long ngon, còn tùy ở giống trà, đất trồng. Mức độ lên men, diệt men cũng từ 8% - 85% tùy cách chế biến mà tạo ra phong phú chủng loại.

Tương truyền, trà Ô-long ra đời từ thời nhà Thanh, có anh thợ săn tên Hồ Lương đang hái chè thì trông thấy con nai. Anh ta bỏ ruộng chè, đuổi theo săn thú. Mãi tới hôm sau mới nhớ ra còn mẻ chè chưa chế biến. Lúc ấy, lá chè bị oxy hóa một phần, tỏa ra mùi hương lạ. Sau khi chế biến, trà có vị hoàn toàn khác, không hề đắng, hậu vị ngọt hơn. Trà bán được giá, nhiều nông dân khác học theo cách chế biến này. Tên gọi Hồ Lương sau này được nói chệch thành Ô-long.

Với người thưởng trà, Ô-long có hương vị hấp dẫn riêng. Viên trà khô rơi xuống đáy ấm sứ, gặp nước xoay tròn, từ từ bung nở. Hương trà thơm, nước trong không cặn, có ánh vàng xanh.

Trên Amazon, trà Ô-long trồng ở vùng Ali Shan nổi tiếng của Đài Loan có giá bán khoảng 2,5 triệu đồng mỗi kg. Đây là vùng chè rộng lớn với nhiều nơi cao 1.000-2.300m. Núi cao, nhiều sương mù, nhiệt độ thấp, nước suối sạch từ trên núi chảy xuống tạo điều kiện lý tưởng cho trà Ô-long phát triển. Mỗi năm, có hàng nghìn du khách thập phương đến Ali Shan thưởng ngoạn những đồi chè đẹp như tranh vẽ trong sương sớm.

Giống trà Ô-long theo chân các thương lái Đài Loan vào Việt Nam, đến nay đã được lai tạo để phù hợp với thổ nhưỡng nước ta. Các giống trà Ô-long như phúc vân tiên, kim tuyên… được trồng nhiều ở Lâm Đồng, Lạng Sơn. Hiện, 80% sản lượng được xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Ông Ngọc nhận định, trà Ô-long trồng trên Phja Đén có chất lượng sánh ngang với loại trà Ô-long hảo hạng từ Đài Loan nhờ cùng vĩ độ, độ cao. Nông sản đáp ứng các tiêu chí khắt khe của cổ thương như chủng loại trà, độ cao của vùng trồng, thời tiết thu hái, thời kỳ hái trong năm, giờ hái trong ngày, tuổi bụi trà, cách hái, ủ, cuộn lá, sấy…

Giang Tạ

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi