Chọn địa điểm ao nuôi: Chọn vùng bãi triều, gần cửa sông nơi độ mặn từ 3-25‰. Chất đất tốt nhất là thịt pha cát, ao phải giữ được nước. Nơi sóng gió ít, lưu tốc dòng chảy không lớn. Nguồn nước sạch, giàu chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm do các chất thải từ các khu công nghiệp hoặc thuốc bảo vệ thực vật từ các đồng ruộng. Có nguồn điện quốc gia, giao thông thuận lợi, trật tự an ninh tốt.
Cải tạo ao: (áp dụng cho cả 3 giai đoạn nuôi): Sau mỗi vụ nuôi cần phải ủi hoặc nạo vét sạch bùn đáy ao, gia cố bờ ao. Trường hợp bùn ao không nhiều khoảng 10 cm, bón vôi CaO 15 - 20 kg/1000 m2, phơi đáy ao 2 - 3 ngày sau đó tiến hành bơm nước từ ao lắng vào ao nuôi (tốt nhất nên bơm nước qua túi vải lọc).
Tránh lấy nước trong các trường hợp sau: Nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm, nước có nhiều váng bọt, màng nhầy, có nhiều phù sa đen lơ lửng. Không lấy nước khi thuỷ triều đang lên, nên lấy nước khi nước bắt đầu bình để hạn chế đưa các chất phù sa lơ lửng vào ao, tốt nhất nên lấy nước vào ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi. Sau khi bơm nước vào ao nuôi khoảng 3 - 5 ngày thì tiến hành diệt tạp.
Để diệt các loài cá tạp và giáp xác trong ao có thể sử dụng: Saponin: 15 - 20 kg/1000 m3 nước. (nếu độ mặn > 15‰), dây thuốc cá: 8 -10 kg/1000 m3 nước (nếu độ mặn < 15‰). Xung quanh bờ rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước...và đặt hơi nghiêng vào ao một góc 450, cao khoảng 80 – 100 cm sao cho cua không thoát ra được. Ao có cống cấp và thoát để cấp thoát nước cho ao, trước cống nên có 2 lớp đăng hay lưới chắn cẩn thận.
Bố trí chà khô thành từng bó chiếm từ 1/3 - 2/3 diện tích ao nuôi để làm giá thể trú ẩn khi cua lột (tránh tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau gây hao hụt). Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH: 7,5 - 8,5, độ kiềm: 100 - 120 mg/l, độ mặn: 10‰ -30‰. Việc cải tạo và xử lý nước ban đầu là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của ao nuôi: Tạo cho vật nuôi có được một nền đáy ao sạch, làm tăng và ổn định lượng oxy hoà tan trong nước, ổn định chất lượng nước và làm giảm các chất độc trong nước, ổn định nhiệt độ ao, hạn chế tảo sợi, tảo đáy phát triển, hạn chế các loại vi khuẩn gây bệnh. Khi đạt các yêu cầu thì tiến hành thả giống.
Qua thời gian thử nghiệm kết quả cho thấy nuôi cua 3 giai đoạn cho kết quả tốt hơn so với mộ hình cũ tức nuôi không chia giai đoạn: Cua phát triển tốt hơn thời gian nuôi ngắn hơn, ít dịch bệnh hơn và tỷ lệ sống cao hơn.
Chọn giống và thả giống:
a) Chọn cua giống:
- Cua phải đều cở, khỏe mạnh, hoạt động linh hoạt, không dị hình, không thương tích, không bệnh tật.
- Cỡ cua thả có chiều rộng vỏ từ 2-3 phân.
b) Thử nước trước khi thả giống:
Cho 10 con cua giống vào thùng có chứa nước ao nuôi, nếu sau 24 giờ chúng không chết, vẫn còn linh hoạt có nghĩa là cua đã phù hợp với nước trong ao, có thể thả vào ao nuôi.
c) Mật độ và thời gian thả:
- Mật độ 3-5con/m2
- Thời điểm thả giống tốt nhất từ 6 - 8 giờ sáng hoặc từ 5 - 6 giờ chiều.
- Nên thả vào những ngày nắng ráo, mát trời, có gió, tránh những ngày mưa nhiều, trời âm u.
- Thả giống vào nhiều điểm khác nhau trong ao để tránh hiện tượng cua có thể gây tổn thương lẫn nhau khi mật độ quá cao.
d) Mùa vụ nuôi: từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau.
Ngày tuổi | Lượng thức ăn công nghiệp trong ngày (kg) |
Kích cở | Số lần/ ngày | Trọng lượng cua |
40 - 45 | 2,0 - 2,1 - 2,2 - 2,3 - 2,4 | 3 mm | 02 | 20 g - 25 g |
46 - 50 | 2,5 - 2,6 - 2,7 - 2,8 - 2,9 | 3 mm | 02 | 26 g - 30 g |
51 - 55 | 3,0 - 3,1 - 3,2 - 3,3 - 3,4 | 4 mm | 02 | 31 g - 40 g |
56 - 60 | 3,5 - 3,6 - 3,7 - 3,8 - 3,9 | 4 mm | 02 | 41g - 50 g |
61 - 65 | 4,0 - 4,1 - 4,2 - 4,3 - 4,4 | 5 mm | 02 | 51 g - 60 g |
66 - 70 | 4,6 - 4,7 - 4,8 - 4,9 - 5,0 | 5 mm | 02 | 61 g - 70 g |
Ngày tuổi | Lượng thức ăn tươi sống trong ngày (kg) |
Kích cở | Số lần/ ngày | Trọng lượng cua |
40 - 45 | 10 - 12 - 15 - 17 - 20 | Cắt nhỏ | 02 | 20 g - 25 g |
46 - 50 | 22 - 25 - 27 - 30 - 23 | Cắt nhỏ | 02 | 26 g - 30 g |
51 - 55 | 25 - 27 - 30 - 32 - 35 | Cắt nhỏ | 02 | 31 g - 40 g |
56 - 60 | 35- 36 - 37 - 38 - 39 | Cắt nhỏ | 02 | 41 g - 50 g |
61 - 65 | 40 - 41 - 42 - 43 - 44 | Cắt nhỏ | 02 | 51 g - 60 g |
66 - 70 | 45- 45 - 47 - 48 - 50 | Cắt nhỏ | 02 | 61 g - 70 g |
Thu hoạch:
- Sau 30 - 45 ngày nuôi bắt đầu thu hoạch từng phần bằng phương pháp cổ truyền: - Thu bằng các phương tiện đánh bắt truyền thống như: câu cua hoặc rút cạn nước trong ao, cua tập trung ở mương trước cửa cống dùng vợt để xúc.
Chú ý: nên chọn cua đực xấu, gãy càng … để bán trước, vừa thu hồi vốn nhanh vừa chọn được cua tốt giữ lại để nuôi cua gạch.
K Ỹ THUẬT NUÔI CUA GẠCH
1. Chọn địa điểm, xây dựng và chuẩn bị ao nuôi: tương tự phần nuôi cua thịt
2. Mùa vụ nuôi: Có thể nuôi quanh năm, nhưng tốt nhất là nuôi vào tháng 11 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau, phù hợp với mùa thu hoạch chính của cua gạch là từ tháng 7 đến tháng 11.
3. Chọn giống và thả giống:
a) Chọn giống nuôi:
- Cua phải đều và khỏe mạnh, còn đủ càng ngoe, không bị thương tích.
- Cua giống kích cở từ 200 - 400g/con và chỉ chọn cua cái, cua giống có vỏ cứng, màu xanh đậm yếm tròn phủ giáp mặt bụng, của phần đầu ngực và mép vỏ có nhiều lông tơ.
- Nên chọn cua có sẳn chấm gạch, thời gian nuôi sẽ ngắn hơn so với cua thường, 10 - 15 ngày mà tỷ lệ lên gạch đến 70%. Để cua phát triển gạch đồng loạt, cần chọn cua giống đồng đều về chấm gạch .
* Phương pháp chọn cua có chấm gạch: Tách nhẹ phần giữa mai cua và yếm cua (phía sau lưng cua) và nhìn vào. Nếu thấy một chấm màu vàng bằng đầu đũa là cua giống đạt yêu cầu.
b)Thả giống:
- Mật độ thả 3 - 5 con/m2
- Giống từ địa phương khác mang đến cần thử nước trước khi thả, nếu nồng độ muối chênh lệch quá lớn thì cần phải điều chỉnh tăng hoặc giảm từ từ để con giống thích nghi với môi trường sống mới.
- Thả cua vào sáng sớm hoặc chiều tối, vào những ngày nắng ráo mát trời tránh âm u hoặc mưa nhiều.
- Để tránh khả năng cua có thể gây thương tích lẩn nhau ta có thể thả ở nhiều điểm khác nhau.
4. Chăm sóc và quản lý:
a) Cho ăn:
- Thức ăn gồm: cá tạp, cua, vẹm, ốc, ngao, đầu mực, tôm….
- Mỗi ngày cho ăn 2 - 3 lần vào sáng sớm và chiều tối.
- Lượng thức ăn của cua hàng ngày khoảng từ 5 - 10% trọng lượng.
- Thức ăn nên rãi trên sàn cho ăn và bố trí đều ao.
b) Quản lý:
- Theo dõi chặt chẽ lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp, có thể tăng hoặc giảm lượng thức ăn cho ngày tiếp theo để tránh lảng phí và nhiễm bẩn ao khi thức ăn dư thừa.
- Tuyệt đối không để cua thiếu ăn, thiếu ăn cua chậm lớn và lâu lên gạch.
- Thay nước trong ao hàng ngày khi triều cường. Nếu triều thấp nước không lên được thì dùng máy bơm để bơm vào và giữ mức nước luôn ổn định.
- Theo dõi hoạt động và tập tính sống của cua.
- Kiểm tra điều kiện mội trường của ao nuôi hàng ngày để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
- Thường xuyên kiểm tra, bồi trúc bờ ao, tu bổ, gia cố những đoạn rào, lưới bị hư hay xuống cấp.
4. Thu hoạch:
a) Thu tỉa:
- Sau hai tuần cua tăng trưởng khoảng 110 – 120 g/con, vào thời điểm này có thể thu tỉa cua có gạch, cua chắc thịt cỡ 300-500g/con.
- Thu bằng các phương tiện đánh bắt truyền thống như: câu cua ….
b) Thu toàn bộ:
- Với thời gian nuôi 30 ngày trọng lượng có thể đạt trên 400g/con, cũng có cá thể đạt 1kg/con.
- Rút cạn nước trong ao, cua tập trung ở mương trước cửa cống dùng vợt để xúc.
KỸ THUẬT NUÔI CUA LỘT
1. Ao nuôi cua nguyên liệu : giống như ao nuôi cua thịt
2. Ao nuôi cua tạo “ nu”: cũng giống như ao nuôi cua thịt nhưng có kích thước nhỏ hơn. Tốt nhất nên dùng loại ao 200 - 300m2.
3. Lồng nuôi cua lột: Kích thước 1.5m x 0.8m x 0.2m làm bằng tre đóng nẹp cách nhau 2cm. Trên mặt lồng có nắp để bắt cua và cho cua ăn, khi nuôi lồng được đặt trên ao nuôi cua nguyên liệu, ngập nước khoảng 15 - 18cm.
4. Mùa vụ nuôi cua lột: có thể quanh năm, tuy nhiên tập trung nhất vào tháng 3 -7 dương lịch, hàng năm. Cua giống có kích cở nhỏ khoảng 50 – 100g/con cua lớn sẽ chậm lột vỏ, cua giống là những cua chắc thịt, cứng và sậm màu.
5. Mật đô cua lột: 6 - 12kg/lồng.
6. Chọn cua nguyên liệu và kích thích cua lột vỏ:
a) Chọn cua nguyên liệu: Cua nguyên liệu có trọng lượng 50 –100g/con, không bị tổn thương, dập nức, gảy càng, gãy chân, thả vào ao nuôi, mật độ nuôi khoảng 10 - 12con/m2.
b) Kích thích lột vỏ: Thả cua nguyên liệu vào thau hoặc khay có mức nước từ 2 – 5 cm. Dùng kìm hoặc tay bẻ phần giữa của càng và chân, chỉ giữ lại hai chân bơi. Cua sẽ tự tách bỏ phần càng hoăc chân đã bị tổn thương. Sau chuyển cua vào ao nuôi tạo cua “nu”.
7. Chăm sóc và quản lý:
- Trong ao tạo :”nu” có thể thả cua với mật độ: 25 – 50 con/m2 tùy theo kích thước của cua.
- Cho cua ăn 2 lần/ngày. Lượng thức ăn 3 - 4% tổng trọng lượng cua. Thức ăn có thể dùng cá tạp.
- Sau khi thả khoảng 10 ngày bắt đầu theo dõi để tìm các cua đã tạo “ nu” xong, bắt và chuyển vào lồng nuôi.
- Tiếp tục cho cua ăn với thời gian và liều lượng như trên. Cua sẽ lột trong lồng trong khoảng 1-2ngày.
8. Thu hoạch:
- Sau khi lột 1-2 giờ cua sẽ sạch nhớt. Bắt cua ra và chuyển vào nơi tập trung để xuất. Nếu chưa xuất kịp có thể giữ cua trong điều kiện không bị ánh sáng chiếu vào, không có gió lùa không bị ngập nước nhưng vẩn có độ ẩm cần thiết. Trong những điều kiện như vậy có thể giữ cua trong thời gian 3 - 4 ngày đêm mà cua vẫn mềm.
- Khi xuất nên xếp cua vào những thùng gỗ kín thành từng lớp, giữa các lớp lót một lớp lá cây ướt đã rữa sạch để giữ độ ẩm và tránh làm giập nát cua.