Lão nông trồng nghệ rừng chữa bệnh nan y cho vợ

  • 09/01/2020
  • 850 đã xem
  • Bình luận

Sau hơn 30 năm trồng đủ loại cây trồng, ông Đào Huy Tiến (thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến, huyên Sơn Dương, Tuyên Quang) mới bén duyên với cây nghệ rừng và nghề sản xuất tinh bột nghệ.

Cơ duyên đưa ông đến với nghề sản xuất tinh bột nghệ vào năm 2012, sau khi đưa vợ đi mổ u tuyến giáp lần thứ hai tại Bệnh viện K. Lần đầu từ năm 2009, sau 3 năm, khối u tái phát. Ông và vợ được người bạn học khuyên nên uống thử tinh bột nghệ để kìm hãm khối u.

Ông mua thử 2kg về cho vợ uống, giá lúc đó khoảng 1,5 triệu đồng mỗi kg. Hết 2kg đầu tiên, khối u tuyến giáp chưa chuyển biến, song các bệnh khác gồm dạ dày, đại tràng, thiếu máu của vợ ông đều giảm. Uống đến kg thứ 3, khối u bắt đầu nhỏ lại. Ông tin tinh bột nghệ có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng sản phẩm giá đắt đỏ, bèn nghĩ đến việc trồng nghệ cho vợ dùng.

Lúc ấy, một người bạn ở Bảo Lâm, Cao Bằng giới thiệu cho ông giống nghệ rừng mà người dân tộc Dao, Sán Chỉ thường lấy về nấu ăn, làm thuốc. Ông lên tận nơi, thấy củ đỏ, vị ngậy và ít dầu, tốt hơn cây nghệ nếp.

lao-nong-trong-nghe-rung-chua-benh-nan-y-cho-vo

Nghệ rừng giống cây nghệ nếp nhưng củ đỏ, vị ngậy và ít dầu hơn.


Nghệ rừng được ông lấy về trồng thử nghiệm trên 3ha đất trang trại tổ tiên để lại. Mảnh đất này, trước đây ông trồng sắn, dong, riềng nhưng không hiệu quả.

Cây nghệ Bảo Lâm sinh trưởng tốt, hầu như không sâu bệnh. Ông lặn lội đi học thêm kinh nghiệm làm tinh bột nghệ và tìm hiểu giống cây của các vùng miền khác như Đồng Nai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Nghệ An, Vĩnh Phúc.

Sau khi mang các mẫu nghệ tới Viện Dinh dưỡng kiểm tra, ông phát hiện ra giống nghệ Bảo Lâm có hàm lượng Curcumin tương đối cao, khoảng 17,8mg-19,2mg mỗi 100g, nên quyết định đầu tư cả 6ha đất trang trại trồng nghệ.

So với giống nghệ lai trồng nhiều ở các vùng khác, củ nghệ rừng ít bột hơn, sản lượng thấp, nên suốt 2 năm đầu, tinh bột chỉ đủ phục vụ vợ và người thân, bạn bè. Từ năm 2014, người này giới thiệu người kia, nhu cầu tăng lên khiến ông có động lực mở rộng sản xuất.

Thời điểm bắt đầu trồng từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2-3. Khi củ nghệ lên mầm là ông lại xuống giống đợt mới.

Phương thức canh tác quyết định chất lượng tinh bột nghệ. Mỗi năm, ông Tiến chỉ bón phân chuồng hoai mục lần đầu trước khi trồng, bón thúc thêm lần nữa bằng NPK và phân vi sinh sông Gianh.

Khâu vất vả và tốn kém nhất là làm cỏ. Các con đi làm ăn xa, hai vợ chồng ông phải thuê nhân công 20 ngày làm cỏ một lần. Đợt cao điểm, ông thuê tới 20 người, tiền công cũng đến vài trăm triệu đồng. Ông Tiến hoàn toàn không phun thuốc trừ cỏ hay hóa chất làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ và giảm hàm lượng Curcumin.

Cuối tháng 10 trở đi, thời điểm cây lụi cũng là lúc củ già. Sau thu hoạch, nghệ được cho vào máy lồng rửa sạch, nghiền, đưa vào máy quay li tâm để tách riêng phần bã, tinh dầu và thu tinh bột. Tinh bột ướt được sấy bằng hệ thống điện kết hợp vừa quạt vừa hút ẩm liên tục trong 24h do chính ông chế. Phần bã còn lại được ông đem ủ phân hữu cơ, hoặc bán cho trang trại nuôi lợn thảo dược tại Phúc Yên.

lao-nong-trong-nghe-rung-chua-benh-nan-y-cho-vo-1

Ông Tiến nhận huy chương vàng Vì sức khỏe cộng động, do Hiệp hội Thực phẩm Công nghiệp Việt Nam trao tặng đầu năm 2017.

Hiện nay, cơ sở của ông sản xuất khoảng 2,5 tấn tinh bột nghệ mỗi năm, giá bán buôn 500.000-550.000 đồng mỗi kg, mỗi năm thu hơn một tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn khoảng 160-180 triệu đồng.

Nhờ củ nghệ, điều kiện kinh tế của gia đình ổn định hơn trước. Tuy nhiên, do sản lượng còn hạn chế, nên ông chủ yếu bán cho các mối quen chuyển về Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, TP HCM.

Đầu năm 2016, sản phẩm tinh bột nghệ của ông được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2017, ông được nhận huy chương vàng Vì sức khỏe cộng động do Hiệp hội Thực phẩm Công nghiệp Việt Nam trao tặng.

Sắp tới, ông Tiến dự định sẽ vận động bà con địa phương tham gia vào mô hình trồng nghệ sạch, xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ của gia đình ông.

Hồng Ngọc

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi