Người nông dân tâm huyết với nghề nuôi gia cầm

  • 01/08/2019
  • 707 đã xem
  • Bình luận

Sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, Hà Nội - vùng đất nổi tiếng với giống gà mía, không biết từ lúc nào, anh Lê Thanh Tuấn đã có niềm đam mê đối với nghề chăn nuôi gia cầm. Một lần lên Yên Bái, nhận thấy vùng đất này có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình chăn nuôi, anh Tuấn quyết định chọn nơi đây để lập nghiệp.

Ban đầu, anh đầu tư 1.000m2 đất đồi và tiến hành san lấp xây chuồng trại. Có được mặt bằng chăn nuôi rộng, thoáng, anh tiếp tục tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng dịch bệnh và cách chữa bệnh cho gia cầm. Nhờ được nuôi theo kỹ thuật, trong nhiều năm đầu, anh đã phát triển được các lứa gia cầm lấy thịt khỏe mạnh, tăng nhanh về số lượng; chất lượng cũng được đánh giá cao. Do đó, tiền lãi thu về mỗi năm đủ giúp anh tạo dựng được cơ ngơi khang trang.

nguoi-nong-dan-tam-huyet-voi-nghe-nuoi-gia-cam

Nghề chăn nuôi gà hiện mang lại cho anh Tuấn khoản thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Bizmedia.

Thời điểm năm 2005, dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều khu vực, trong đó có cả tỉnh Yên Bái khiến anh phải cho tiêu hủy gần 2.000 con gia cầm ở giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng. Không nản chí, sau đợt dịch, anh lại bắt tay gây dựng lại trang trại.

Lần này, để hạn chế gặp rủi ro như lần trước, ngoài nuôi gia cầm lấy thịt, anh còn đầu tư thêm nuôi gà đẻ trứng và cung cấp giống gia cầm các loại như gà mía, gà ác, gà sao… Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo đúng quy trình, sau 3 năm, nguồn lợi thu về giúp kinh tế gia đình anh dần phục hồi và ổn định.

Thế nhưng, dường như "nghề" lại như thử thách anh thêm một lần nữa. Cụ thể, vào năm 2008, khi công việc làm ăn đang thuận lợi thì xảy ra trận lụt lớn, cuốn trôi hơn 10.000 con gia cầm, trị giá ước tính hơn một tỷ đồng. Tình huống xảy ra bất ngờ khiến anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Đường cùng, anh phải bán trang trại của mình để trang trải nợ nần và dành ra một ít vốn để xoay đường làm ăn.

Sau những gì phải trải qua, hai bên gia đình đều khuyên anh nên chuyển hướng làm ăn, bỏ nghề nuôi gia cầm. Tuy nhiên, khó khăn chồng tiếp khó khăn không thể làm anh nản chí. Niềm đam mê với nghề là động lực để anh tiếp tục với một trang trại nuôi quy mô nhỏ hơn. Nhờ có uy tín trong việc làm ăn trước đó, trang trại của anh vẫn được bạn hàng tin tưởng lựa chọn. Dần dần, anh lại một lần nữa khôi phục được cơ ngơi cho mình.

Trang trại của anh chỉ nuôi và cung cấp giống các loại gà đặc sản của nước ta như gà Đông Tảo, gà mía, gà ác, gà ta… Mặc dù cách nuôi kỳ công và nguy cơ rủi ro nhiều hơn nhưng lợi nhuận của các giống gà này cũng cao hơn so với gà công nghiệp.

Hiện nay, trang trại của anh cung cấp con giống chất lượng cao cho hơn 20 trang trại nuôi từ 500 đến 1.000 con trên địa bàn Lai Châu, Yên Bái. Bên cạnh đó, anh còn cung ứng gà thịt và trứng các loại cho các tỉnh lân cận như Hà Nội, Yên Bái... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, công việc nuôi gia cầm mang lại cho anh khoản lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm gia cầm mang thương hiệu Phương Việt Vân của anh được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây được coi là trái ngọt dành cho người đã từng nếm trải nhiều thăng trầm với nghề như anh Tuấn.

Thu Nga

Cùng thể loại

Deal

  • bạn chưa có deal khuyến mãi