Mùa hè cần ăn các món canh có trứng ngon, mát bổ dưỡng. Ảnh minh họa
Canh hẹ nấu trứng
Chuẩn bị 50 g lá hẹ, 2 quả cà chua, 1 quả trứng. Gia vị: Hạt nêm, muối bột canh, bột ngọt, dầu ăn.
Rau hẹ rửa sạch, để ráo, cắt khúc vừa ăn. Cà chua rửa sạch, cắt hạt lựu. Rau mùi: Rửa sạch, cắt nhỏ. Trứng gà đập ra bát, đánh tan.
Phi thơm hành, đổ cà chua vào xào mềm, cho nước đủ ăn rồi đun sôi lên (nếu nấu với giò sống, nấm hương thì cho vào rồi đun tiếp tới chín).
Đổ trứng gà vào khuấy nhẹ tay để tạo sợi đẹp mắt. Canh sôi 1-2 phút thì cho rau hẹ vào, để lửa to, nêm nếm vừa ăn rồi rắc rau mùi, bắc xuống, ăn nóng.
Theo lương y Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội), lá hẹ giàu sắt, potassium và vitamin A, C. 1 bó hẹ đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể trong một ngày. Vị cay của hẹ do chất sulfide giúp trừ khuẩn tiêu viêm, nâng cao sức đề kháng, hấp thụ vitamin B1, A, điều khí dưỡng gan, kích thích ăn ngon, tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa… Các món ăn từ hẹ mang lại nhiều chất dinh dưỡng và phòng bệnh tốt.
Nên cắt nhỏ hẹ, đun lửa to cho nhanh để hẹ không bị quá lửa mà biến chất, mất đi hương vị đặc biệt. Không ăn canh trứng nấu hẹ để qua đêm.
Canh đậu phụ - trứng - nấm ngon mát, giải nhiệt
Chuẩn bị 200g đậu phụ non, 2 trái trứng gà, 150g nấm tươi, 2 trái cà chua. 1 muỗng súp dầu ăn, 1 muỗng canh hạt nêm. Nấm sơ chế, cà chua chẻ múi cau. Đậu phụ cắt miếng quân cờ.
Cho dầu vào chảo đổ cà chua và nấm vào xào thơm. Nêm hạt nêm cho đậm vị rồi đổ đủ lượng nước cho bữa canh vào đun sôi thì đổ đậu phụ vào. Khi nấm mềm thì đổ trứng vào nồi khuấy đều rồi rắc hành, mùi cho thơm trước khi bắc xuống. Múc canh đậu phụ - trứng - nấm ra tô, rắc thêm hạt tiêu, ăn với cơm khi nóng.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm), mùa hè món canh đậu phụ - trứng - nấm ngon mát, giải nhiệt thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, giúp cơ thể giải nhiệt, hệ bài tiết làm việc tốt hơn. Về cảm quan, bát canh bắt mắt cho mâm cơm, ngon miệng, dễ ăn. Đây là món ăn bổ dưỡng, phù hợp với nhiều lứa tuổi, hợp với người thể chất ốm yếu, người bị suy giảm thị lực, bổ não… Lòng đỏ của trứng gà giúp tăng cường trí nhớ và phục hồi trí nhớ. Các vitamin nhóm B giúp cơ thể phân giải các loại độc tố, thải trừ chất gây ung thư. Lòng trắng trứng có tác dụng kích thích tăng nhu động ruột non, làm giảm cholesterol, chống xơ vữa động mạch…
Canh trứng thịt viên hấp dẫn và ngon miệng
Chuẩn bị trứng gà: 2 quả, thịt nạc vai: 100g, cà chua: 1 quả. Hành tây: 1/2 củ, Hành lá, mùi tàu, xà lách, rau thơm các loại, dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu.
Hành tây bóc vỏ, thái mỏng. Cà chua rửa sạch, bỏ cuống, thái múi cau. Hành tươi, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ. Xà lách rau thơm các loại sơ chế, ngâm nước muối loãng 10 phút thì vớt ra, để ráo nước.
Thịt nạc vai xay nhuyễn, thêm 1 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, thêm mùi tàu, hành lá thái nhỏ trộn đều, bọc kín để vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút để tăng độ dẻo. Sau đó bỏ ra viên tròn.
Trứng đập ra bát, đánh tan. Cà chua xào chín, thêm chút bột nêm, nước đổ vào đun sôi thì đổi thịt viên vào nồi đun tới sôi lại thì cho hành tây thái mỏng vào. Canh sôi lần nữa thì đổ trứng vào nồi, vừa đổ vừa khuấy đều để trứng kết sợi dài. Nêm thêm thìa mắm ngon cho thơm và để sôi 1 phút nữa thì nêm nếm vừa ăn (món này nên nêm đậm đà để ăn với rau sống). Bắc xuống thì cho hành lá, mùi tàu còn lại vào nồi. Múc ra ăn nóng, đủ đạm và dinh dưỡng.
Lưu ý khi ăn canh có trứng Ai không nên ăn canh trứng? - Những người mắc bệnh tiêu hóa, tiêu chảy không nên ăn trứng, vì tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu và tiêu hóa. - Người mệt mỏi, cảm lạnh, phụ nữ mang thai, tiêu hóa kém cũng không nên ăn nhiều trứng. - Người bị chứng cao huyết áp không nên ăn trứng chung với óc lợn, vì tăng cholesterol trong máu đột ngột. Để dùng món canh trứng an toàn - Trứng gà, vịt đều bổ dưỡng, nhưng dân gian hay dùng trứng gà ta nấu canh trứng thơm ngon, an toàn. Trứng vịt ít dùng vì hay có mùi tanh. Canh trứng cần nấu chín, ăn nóng cho nên chỉ nấu vừa đủ ăn, không để lưu bữa sau. - Không ăn canh trứng quá nguội ở môi trường bình thường, hoặc để qua đêm vì dinh dưỡng và protein bị phá hủy sẽ mất dinh dưỡng, còn có thể gây ngộ độc, dạ dày, đau bụng tiêu chảy… - Không dùng trứng với đường, hoặc ăn đường ngay sau khi ăn trứng vì cơ thể khó hấp thu, không tốt cho sức khỏe; Không ăn trứng và uống sữa đậu nành/ sữa vì cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng; Không ăn thịt ngỗng, thỏ với trứng vì có thể gây tiêu chảy; Không nên ăn trứng cùng thịt rùa, hay quả hồng vì dễ bị ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày, ruột cấp tính; Không nên ăn trứng quá nhiều vì dễ bị đầy bụng, khó tiêu, béo phì… Ăn trứng xong không nên uống nước chè đặc khử tanh, vì làm chậm hoạt động của nhu động ruột, gây táo bón… Ăn món trứng xong 1- 2 giờ thấy khó chịu, cần lấy nước ozesol, hoặc pha 20g muối với 200ml nước sôi để uống khử độc; Hoặc uống nước gừng tươi nóng để gây nôn, nếu không nôn được, cần phải uống nhiều lần để thúc đẩy nôn mửa. Lỡ ăn trứng có dính tỏi cũng uống nhiều nước gừng tươi nóng để gây nôn, thải độc. Sau khi hết ngộ độc, cần dùng thêm thuốc nhuận tràng để đào thải nốt chất độc hại trong cơ thể. Lương y Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) |