Rất nhiều người có thói quen ngâm ngay trứng vừa luộc chín vào nước lã cho dễ bóc vỏ. Hành động này sẽ khiến cho trứng nguội rất nhanh, đồng thời vỏ trứng và phần lòng trắng sẽ co lại do gặp lạnh, tạo thành khe hở cho dễ bóc trứng.
Trứng dễ nhiễm khuẩn khi vừa luộc xong đã ngâm ngay vào nước lã. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Giám đốc viện Dinh dưỡng Quốc Gia, cách làm này hoàn toàn thiếu khoa học vì nước lã chứa một lượng lớn vi khuẩn. Trứng gà sau khi đã luộc chín thì vỏ trứng không còn tác dụng ngăn chặn vi khuẩn nữa.
Nếu muốn trứng dễ bóc, cách làm tốt nhất là trong khi luộc trứng nên cho một ít muối vào. Muối ăn vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa làm cho protein đông lại, đồng thời còn làm cho lớp màng của vỏ trứng co lại, hình thành nên một khe hở giữa vỏ trứng và trứng nên rất dễ bóc.
Một thói quen thiếu khoa học nữa của những người nội trợ là trước khi cất trứng vào tủ lạnh thường lau hoặc rửa trứng gà cho sạch. Cách làm này không đúng vì trên vỏ trứng có một lớp màng nhỏ bao bọc, lớp vỏ này khiến cho trứng gà bóng và sờ vào có cảm giác trơn láng. Nó có tác dụng đóng các lỗ thông khí của trứng gà lại, ngăn ngừa các bụi bẩn, vi khuẩn ở môi trường bên ngoài xâm nhập vào lòng trứng và chỉ cho phép oxy lọt vào lòng trứng.
Nếu rửa sạch vỏ trứng, lớp màng này sẽ mất đi, vi khuẩn trong không khí sẽ xâm nhập vào trong trứng dễ khiến cho quả trứng bị hỏng. Ngoài ra, không nên để trứng chung với những thứ có nhiều tinh dầu như: gừng, hành, ớt…vì mùi của những loại này sẽ xâm nhập vào trứng thông qua lỗ thông khí ở vỏ trứng làm cho trứng bị biến chất, nếu để thời gian dài sẽ khiến trứng bị ung.
Không nên rửa sạch trứng trước khi cất vào tủ lạnh. Ảnh minh họa
Khi chọn trứng ngoài chợ, muốn trứng bảo quản được lâu, nên chọn trứng mới với vỏ ngoài có lớp phấn mỏng màu trắng, nặng tay và hơi ram ráp thì đó là trứng mới, ngược lại là trứng kém chất lượng.
Ngoài ra, người mua có thể cầm quả trứng và soi qua bóng đèn hoặc dùng một quyển vở hay tờ báo cuộn lại, soi trứng dưới ánh sáng mặt trời. Nếu thấy buồng khí của trứng còn nhỏ, lòng đỏ không di động, hoàn chỉnh, tròn và nằm ở giữa lòng trắng, còn lòng trắng trong suốt có màu cam đỏ và hồng nhạt, thì đó là trứng tươi, còn mới. Nếu là trứng cũ, khi để lâu ngày khi soi bạn sẽ thấy có màu đỏ với nhiều đường vân, đường bao quanh di động và khoảng trống của buồng khí lớn.
Khi lắc nhẹ quả trứng bên tai, nếu nghe có tiếng động là trứng kém, để lâu ngày. Hoặc nếu lắc mà thấy trứng chuyển động mạnh là trứng hỏng, trứng đang ấp dở.
Trong các loại trứng, trứng muối được xếp vào dạng có hàm lượng canxi cao nhất vì trong quá trình chế biến, hàm lượng canxi trong vỏ trứng tan vào trong trứng.
Mặc dù bổ dưỡng như vậy nhưng các chuyên gia y tế cũng khuyên không nên ăn nhiều trứng muối vì trong quá trình chế biến, trứng muối có sử dụng xút, vôi muối, chì ôxy hoá để ủ trứng. Đặc biệt, hàm lượng chì nếu thẩm thấu vào cơ thể vượt quá hàm lượng cho phép sẽ gây nên các hiện tượng đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ… Ngoài ra còn ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu canxi trong cơ thể.
Trứng muối ngon nhưng không nên ăn nhiều. Ảnh minh họa
Nếu hàm lượng chì này tồn tại một thời gian dài trong cơ thể người sẽ gây nên hiện tượng thiếu canxi - nguyên nhân của bệnh loãng xương.
Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, thừa cân, béo phì nên hạn chế món ăn này vì trong trứng muối chứa nhiều cholesterol. Lượng vừa phải là 1-2 quả/tuần.